Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Tránh lối mòn văn mẫu

Thu Hương 04/01/2024 07:07

Đề thi minh họa môn Ngữ văn - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố.

anhbaiphu.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Thay đổi cách dạy, học Ngữ văn

Là một trong hai môn thi bắt buộc, đề thi minh họa môn Ngữ văn nhận được nhiều sự quan tâm. Đây cũng là môn duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 thi theo hình thức tự luận với định hướng đề mở, ngữ liệu khác biệt hẳn với những đề thi từ năm 2024 trở về trước.

Nhận xét chung về đề minh họa, tổ Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề có đổi mới về nội dung, cách hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc - hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 - 7,25 điểm.

Về phần ngữ liệu, dù bên ngoài sách giáo khoa (SGK) nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… Đây có lẽ là bước đệm để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới, tự định hướng lại quá trình học tập của mình và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Cô giáo Hoàng Thị Tú Anh (Trường THPT Việt Nam – Ba Lan) nhìn nhận, dù sử dụng ngữ liệu ở phần đọc – hiểu thuộc chương trình lớp 10 song đây là phần thuộc chuyên đề sử thi, giáo viên dạy một bài khái quát trên lớp và sau đó học sinh tự tìm hiểu kiến thức, nhập vai thành nhân vật, thực hiện sân khấu hóa tác phẩm để hiểu hơn về tác phẩm.

“Dù có thể rơi vào tác phẩm đã được học, được biết thì nội dung hỏi cũng khác, nên sẽ không còn tình trạng đoán đề, học tủ, học vẹt trước ngày thi do ngữ liệu đa dạng, câu hỏi mở rộng nên đòi hỏi học sinh phải có kiến thức nền, có nhận thức về các vấn đề xã hội và kỹ năng viết để giải quyết yêu cầu của đề” - cô giáo Tú Anh nói.

Ngăn học tủ, học vẹt

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - chủ biên môn Ngữ văn chương trình GDPT 2018 cho rằng, cấu trúc đề thi bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của chương trình GDPT mới, cần lưu ý đề thi đánh giá cả năng lực đọc hiểu lẫn năng lực viết. Bởi đọc hiểu không chỉ được đánh giá ở câu kiểm tra độc lập mà còn thông qua phần viết, nhất là câu nghị luận văn học, để viết được đúng yêu cầu thì học sinh phải đọc hiểu trước. Trong quá trình dạy và học, cần chú ý cả phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học, viết thành đoạn văn và bài văn theo định dạng bài thi tùy giới hạn đoạn 200 chữ và bài 600 chữ.

“Phần nghị luận văn học yêu cầu viết với ngữ liệu mới, không có trong các SGK, đòi hỏi học sinh phải tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và chép văn mẫu được” - ông Thống nhấn mạnh yêu cầu của đề thi Ngữ văn từ năm 2025 trở đi để học sinh nhận thức và dần thích ứng với một đề thi vừa quen ở phương pháp, kỹ năng, vừa lạ ở ngữ liệu.

Theo cô giáo Tú Anh, trước đây chương trình chỉ giới hạn một số tác phẩm sẽ thi nên cô và trò sẽ học kỹ càng, nhuần nhuyễn từng tác phẩm. Tuy nhiên, bây giờ giáo viên không chỉ dạy nội dung bài học cụ thể mà quan trọng hơn là dạy tư duy, phương pháp làm bài để gặp bất cứ ngữ liệu nào cũng không bị lúng túng. Phần này nên được luyện ở lớp 10. Tới lớp 11, học sinh cần được rèn về kỹ năng, luyện tập các dạng bài để lớp 12, tăng tốc đúng lúc, cụ thể là tăng tốc độ làm bài vì với thời gian có hạn, học sinh trung bình sẽ làm được khoảng 70% đề đã hết thời gian nên cần luyện tập thêm phần này.

Với chiến lược luyện tập bài bản, chia từng chặng như vậy, cô giáo Tú Anh tin rằng học sinh sẽ đạt điểm tốt ở môn Ngữ văn - dù là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi khác để tuyển sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi tốt nghiệp THPT 2025: Tránh lối mòn văn mẫu