Đã 5 năm trôi qua kể từ khi những đợt sóng thần dữ dội ập vào bờ biển phía Đông Nhật Bản kéo theo một cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất kể từ sau sự kiện Chernobyl năm 1986, nhưng hậu quả của nó vẫn chưa được gột rửa khi để lại phía sau hàng loạt các thị trấn “ma”.
Trên những con phố xưa kia từng là trung tâm mua sắm sầm uất, giờ chỉ có những lớp cỏ đua nhau mọc lên xanh tốt, những bãi đậu xe ngập trong rác rưởi…nhắc cho người ta nhớ lại trận sóng thần và động đất khủng khiếp xảy ra cách đây 5 năm. Ở hầu hết các thị trấn ven bờ biển phía Đông Nhật Bản, phần lớn những đống đổ nát đã được dọn dẹp, nhưng ở Futaba thì lại khác, thời gian như vẫn dừng lại ở đêm ngày 11/3/2011, khi người dân nơi đây bỏ chạy trong hoảng loạn, phần vì sợ hãi những cơn sóng khổng lồ, phần vì lo sợ hậu quả mà nó để lại.
Các tòa nhà bị sụp đổ sau trận động đất chỉ còn lại là những đống đổ nát, gạch ngói vương vãi khắp nơi…Nhưng xét về tổng thể thì toàn thị trấn vẫn gần như nguyên vẹn, nó chỉ đơn giản là bị bỏ hoang. Cánh cửa của các shop quần áo vẫn mở toang, siêu thị vẫn đầy rẫy hàng hóa trên kệ...Bên trong thị trấn đã bị đóng cửa kể từ sau thảm họa kép năm 2011, chỉ có một thứ duy nhất thay đổi là một dãy hàng rào dài mang đặc các biển báo nguy hiểm. Trên phố Rikuzanhama, những người đi ngang qua vẫn nhìn thấy tấm biển: “Điện hạt nhân, nguồn năng lượng vì tương lai tươi sáng”.
Thị trấn Futaba chỉ cách nhà máy điện Fukushima Daiichi chưa đầy một dặm, và từ lâu đã trở thành biểu tượng tồi tệ nhất của một thảm họa hạt nhân thời hiện đại. Vào 2h46 chiều ngày 11/3/2011, một trận động đất có cường độ 9 độ Richter – lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản và đứng thứ 3 trong lịch sử thế giới – đã khiến nhà máy này bị mất nguồn điện chính. 50 phút sau đó, một đợt sóng thần cao tới gần 14 m ập tới đã phá hủy nhà máy này, phá hủy luôn cả máy phát điện khẩn cấp của nó.
Không có điện năng, các hệ thống làm mát đã ngừng hoạt động và khiến cho 6 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện này bị tan chảy. Khí hydro dễ nổ tràn khắp nhà máy, gây nhiều lỗ thủng trong các tòa nhà chứa lò phản ứng và khiến phóng xạ rò rỉ.
Thị trấn “ma” Futaba đằng sau song sắt. (Nguồn: Telegraph).
Thủ tướng Nhật lúc đó là Naoto Kan đã phải ra chỉ thị sơ tán 50 triệu người dân. Lúc đó chỉ có một đội ngũ công nhân nhà máy hết sức dũng cảm – có tên “Fukushima 50” – dám ở lại với hy vọng sẽ cứu vãn được một thảm họa khủng khiếp. Ở bên ngoài nhà máy, tình trạng hỗn loạn lan tràn khắp nơi khi quá trình sơ tán 400.000 người dân đang diễn ra. Cuối cùng thì viễn cảnh tồi tệ nhất cũng được ngăn chặn khi người ta bơm nước biển để làm mát các lò phản ứng.
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, tức 5 năm sau sự kiện năm đó, một khu vực rộng gần 20 km xung quanh nhà máy Fukushima được coi là “vùng đất chết” không có người sinh sống. Chỉ riêng việc lái xe qua thị trấn này trên tuyến đường 6 cũng khiến nhiều người sởn gai ốc.
Một số vùng đất chết này sẽ không bao giờ có thể có lại sự sống như trước nữa. Futaba, thị trấn gần nhất với nhà máy điện Fukushima, có khả năng sẽ bị biến thành một bãi rác thải phóng xạ khổng lồ. Nhưng cách đây 6 tháng, chính quyền Nhật tuyên bố rằng Naraha, một thị trấn khác cũng nằm trong khu vực sơ tán, giờ đã an toàn trở lại và mọi người nên trở về đó. Nhưng điều đáng buồn là không ai dám trở lại thị trấn mà trước kia từng là nơi sinh sống của 7.000 người nữa, bởi người dân vẫn tin rằng phóng xạ là thứ không dễ gột rửa như vậy.
“Khi trời tối, chỉ có khoảng chục nhà là sáng điện thôi” – Nawasaki Yoshihiro, một người dân còn cố gắng bám trụ ở Naraha để sửa lại ngôi nhà cũ của mình, nói với hãng Telegraph – “Các bạn có thể thấy lợn rừng chạy đầy đường. Tôi chỉ ở lại đây đến 6 giờ chiều để sửa nhà mà thôi”.
Trên khắp các đường phố của thị trấn này người ta dễ bắt gặp hàng loạt các máy đo phóng xạ, và chỉ số của chúng là khoảng 1,1 microsievert/giờ, tương đương với 0,01 sievert/năm. Được biết mức phóng xạ này cao gấp 10 lần mức mà có thể khiến tế bào máu trong cơ thể bị biến đổi, gây ung thư.
Một số báo cáo khoa học còn nêu số trường hợp gia tăng trẻ em mắc ung thư tuyến giáp ở khu vực này, dù còn đang có cuộc tranh luận rằng nguyên nhân có vẻ không phải do phóng xạ từ Fukushima.
“Rất rất ít người dám trở lại” – ông Ishi Hasegawa, 82 tuổi, người hiếm hoi ở lại thị trấn “ma” Naraha, nói– “Nhiều gia đình không muốn vậy, bởi họ sợ phóng xạ, và chỉ quay trở lại đây để viếng mộ người thân”.
Cũng tương tự ở Futaba, tại một bãi đậu xe tại trung tâm của thị trấn, hàng loạt các chiếc xe máy vẫn xếp ngay ngắn thành hàng dài, khiến người ta tưởng như cuộc sống vẫn đang diễn ra bình thường. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, hầu hết chúng đã rỉ sét, hỏng hóc. “Chúng đã ở đó từ năm 2011”, ông Yoshihiro, một người dân còn bám trụ lại đây, nói “Chủ nhân của chúng có lẽ đã chết rồi”.
Cách thị trấn Futaba khoảng hơn 30 km về phía Nam, trung tâm tỉnh Iwaki, là một trại tái định cư mà ở đó khoảng 20.000 người dân của thị trấn Naraha vẫn đang tạm trú dù thảm họa đã qua đi được 5 năm.
Tại đó, ông Yukiei Matsumoto, Thị trưởng Naraha, cùng 12 nhân viên dưới quyền của ông vẫn đang cố gắng thuyết phục công dân của mình trở về quê hương. “Vào năm sau, các cơ sở hạ tầng sẽ trở lại như bình thường”, ông nói - “Mọi người cũng đã sẵn sàng để trở lại, nhưng chúng tôi còn rất nhiều việc cần phải giải quyết để vận hành lại thị trấn”. Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò mới đây, chỉ có khoảng 40% người dân Naraha đồng ý trở về nhà, trong khi có tới 1.300 gia đình khác đã chấp nhận tiêu hủy ngôi nhà cũ của họ ở thị trấn “ma” này.
Ngày nay, dù hàng nghìn nhân công vẫn đang hối hả với công việc tẩy rửa chất phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima, thì các thanh nhiên liệu đầy phóng xạ từng bị tan chảy trước đây vẫn hiện diện ở đó. Ngay cả sau 5 năm ròng, mức độ phóng xạ bên trong các tòa nhà của nhà máy này vẫn ở mức quá cao đối với con người, khiến cho công việc tẩy rửa càng trở nên khó khăn hơn.
Được biết vẫn có khoảng 300-400 tấn nước thải bị nhiễm phóng xạ cần phải xử lý mỗi ngày ở Fukushima. Và để xử lý số nước thải khổng lồ này, TEPCO, tập đoàn điện lực quản lý Fukushima, đã bơm chúng vào trong các thùng chứa cực lớn và cứ mỗi 3-4 ngày lại phải điều thêm một thùng khác đến. Hiện tại, TEPCO đã lưu trữ được đến 1.000 thùng như vậy, bên trong chứa tới 750.000 tấn nước thải nhiễm phóng xạ.