Trung thu đang đến gần cũng là lúc các hãng bánh kẹo tung ra thị trường các loại bánh phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm của các DN uy tín, cũng xuất hiện nhiều loại bánh rẻ tiền không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sôi động thị trường bánh Trung thu
Cách rằm Trung thu khoảng 1 tháng là thị trường bắt đầu xuất hiện các sản phẩm bánh Trung thu. Năm nay, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các thương hiệu nổi tiếng tung ra thị trường nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn “độc, đẹp, chất lượng”.
Đơn cử thương hiệu Kinh Đô tung ra thị trường sản phẩm bánh Trung thu với tên gọi Bạch kim đắc lộc, mẫu mã bao bì đẹp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các hãng bánh ngọt khác như Như Lan, Maison cũng mang đến những ý tưởng mới lạ bằng những tên gọi hấp dẫn như “hộp nồng nàn” “La doree”… hình thức đẹp phù hợp để làm quà biếu, tặng. Còn các hãng bánh kẹo truyền thống vẫn giữ thị trường với các hương vị quen thuộc đó là bánh nhân thập cẩm, bánh nhân đậu xanh, nhân trà xanh, trứng muối…
Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm bánh Trung thu của các thương hiệu uy tín, thị trường cũng xuất hiện hàng loạt các sản phẩm bánh Trung thu rẻ tiền được rao bán cả ở kênh truyền thống cũng như kênh online.
Chị Trần Hương Ly, chủ một đại lý bánh kẹo (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), cho biết, để mua được những chiếc bánh chỉ có 2000 -3000 đồng/ chiếc rất đơn giản, chỉ cần tìm tại các nhóm bán hàng trên các trang mạng xã hội hỏi mua là y như rằng có hàng loạt các địa chỉ số điện thoại mời chào. Theo chị Ly, đây là bánh Trung thu mini, hàng nội địa Trung Quốc, nhập buôn với số lượng lớn nên bán ra tại Việt Nam mới có giá rẻ và nếu muốn mua hàng phải đặt trước cả tuần.
“Với giá chỉ khoảng 200.000 đến 300.000 đồng, tôi có thể mua được cả thùng hàng trăm chiếc bánh. Trong khi giá bánh của các hãng bánh kẹo Việt Nam, số tiền này chỉ mua được 1 hộp 4 chiếc. Đó là lý do vì sao các sản phẩm bánh Trung thu rẻ tiền được nhiều khách hàng hỏi mua”.
Tuy nhiên, với các sản phẩm này, người mua hoàn toàn không nắm rõ được nguồn gốc, xuất xứ hạn sử dụng cũng như chất lượng sản phẩm. Và những rủi ro về sức khỏe là không thể lường trước được.
Cẩn trọng với hàng không rõ xuất xứ
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hai Bà Trưng đã khám xét và tạm giữ 1.000 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, đang được tập kết trước cửa số nhà 301 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trước đó, ngày 8/8/2020, lực lượng chức năng Hà Nội bất ngờ kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại số 27 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội và phát hiện 8.000 sản phẩm (tương đương hơn nửa tấn) bánh kẹo như bánh Trung thu, bánh chuối, bánh pho mai,... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Gần đây nhất, ngày 21/8/2020, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phối hợp kiểm tra địa điểm tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Minh Đức (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện, trong kho hàng của công ty này có 22.000 sản phẩm là bánh Trung thu (bánh nướng các loại) do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Như vậy, có thể thấy, khi nhu cầu của thị trường có, các sản phẩm bánh trung thu nhập lậu sẽ tìm cách thâm nhập. Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn trọng với các sản phẩm bánh Trung thu rẻ tiền, bởi các sản phẩm thực phẩm nếu không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường đối với sức khỏe con người.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng cho biết, cơ quan Quản lý thị trường đang vào cuộc giám sát kiểm tra thị trường bánh trung thu nhằm xử lý những sự vụ vi phạm. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu không có giấy tờ kiểm định của hải quan để tránh những rủi ro liên quan đến sức khỏe.
Cơ quan quản lý thị trường lưu ý, bánh Trung thu nhập khẩu bán ra phải có tem phụ bằng tiếng Việt, đơn vị nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc qua hóa đơn, tờ khai nhập khẩu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Với những sản phẩm không rõ các yếu tố trên, người tiêu dùng cần cẩn trọng, không nên mua và sử dụng để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.