Cơn sốt của thị trường đất thời gian qua là có thật. Ngay trong những ngày đầu năm 2022, cơn sốt đất tiếp tục dậy sóng khi người người đổ xô đi buôn đất. Điều này cho thấy bất động sản vẫn là một kênh đầu tư, một nơi trú ẩn có sức hút với dòng tiền.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, vào thời điểm đầu năm 2021, do tình trạng thiếu nguồn cung, giá bán đất nền tại các thành phố lớn được đẩy lên cao nên nhiều nhà đầu tư đã dịch chuyển ra vùng ngoại thành, nông thôn Hà Nội để đầu tư đất nền tại các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, đặc biệt là Thạch Thất, Hoài Đức...
Hiện tượng nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước, ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng/mét vuông thì nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng/mét vuông, thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng/mét vuông.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và ngoài ra nhiều nơi như Thanh Hóa; tại TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Giới chuyên gia nhìn nhận, năm 2021, thị trường xảy ra hết cơn sốt này đến cơn sốt khác là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay "thổi giá". Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất đi kèm với những đợt “lướt sóng” nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.
Và cơn sốt đất năm 2021 liệu có lặp lại trong năm 2022. Bởi hiện nay đất tại một số khu vực Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang… tiếp tục được cò săn đón.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (55 tuổi) có mảnh đất 500 m2 ở Văn Giang, Hưng Yên cho biết, liên tiếp trong 2 tuần trở lại đây liên tiếp nhận được hơn chục cú điện thoại hỏi bà có bán đất Văn Giang hay không. Có người trả giá 7 triệu/m2, có người trả giá đến 9,5 triệu/m2.
Bà Nguyệt nói chờ giá đất lên nữa mới bán mặc dù giá hiện tại đã có người trả đã cao hơn nhiều so với mức giá bà từng mua. Ngoài ra bà Nguyệt cũng tin tưởng rằng hiện tại đất Văn Giang đang có giá.
Theo lời một dân buôn bất động sản (BĐS) có nghề được 15 năm, hiện nay đang rộ lên thông tin tập đoàn Vingruop sẽ ra sản phẩm ở Hưng Yên. Vì vậy, đất Hưng Yên được dân và môi giới săn.
Chị N.T.V.Y., Trưởng văn phòng công chứng ở khu vực Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay số lượng giao dịch BĐS tăng nhanh ở khu vực này. Trước dịch, chỉ có khoảng 9-10 giao dịch/ngày, nay tăng lên 15-16 giao dịch/ngày.
Nhiều môi giới và các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay cũng đang rốt ráo tìm kiếm đất khu vực Hoà Lạc, quanh dự án đô thị vệ tinh Hoà Lạc, dự án Đại học Quốc gia, đất nền huyện Hoài Đức, Đan Phượng. Hiện nay giá đất khu vực này cũng nhích lên 1-2 triệu đồng/m2 so với hồi giãn cách thời điểm tháng 4/2021.
Anh Nguyễn Quang Tân (Long Biên - Hà Nội) chia sẻ thông tin, vừa xuống tiền mua mảnh đất 300 m2 ở Đan Phượng. "Một thời gian nữa tôi sẽ chia lô, và xây nhà để bán" - anh Tân nói.
Trong khi đó nhiều nhân viên môi giới trong ngành BĐS cho rằng các địa phương vệ tinh với quỹ đất rộng, nhiều ưu đãi để thúc đẩy kinh tế, mở rộng mạng lưới giao thông liên kết vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng, tiện ích. Đặc biệt, giá đất ở các đô thị vệ tinh còn khá "mềm", dư địa tăng giá còn lớn, nắm giữ nhiều tiềm năng sinh lời. Do đó, BĐS đô thị vệ tinh có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư
Tâm lý tin tưởng ở thị trường
BĐS vẫn đang kéo dài câu chuyện tăng giá, nhiều giao dịch thực tế cũng được tiến hành, thị trường cả Nam và Bắc đều sôi động. Các chuyên gia BĐS đánh giá, hiện nay đang có dấu hiệu một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam đánh giá, trong mọi biến động của thị trường, BĐS vẫn là kênh được ưu tiên hàng đầu so với các kênh đầu tư khác, bởi nó đảm bảo tính an toàn, lâu bền và lợi nhuận tốt.
Một năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng giá BĐS vẫn tiếp tục tăng cao, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường này, thậm chí lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác cũng được hiện thực hoá bằng BĐS, cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư luôn tin tưởng vào BĐS.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần quan tâm đến tối thiểu 3 yếu tố khi đầu tư. Theo đó:
Thứ nhất, lựa chọn những dự án có quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín để “chọn mặt gửi vàng”. Đặc biệt, cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi chốt giao dịch, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn để không đạp phải bẫy của các đối tượng đầu cơ.
Thứ hai, nếu mua để ở nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay, thì có thể thăm dò, định giá và tìm hiểu kỹ về pháp lý rồi mới đưa ra quyết định.
Thứ ba, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà trong lúc thị trường tăng giá, chỉ nên vay ngân hàng ở mức thấp nhất để gia tăng hiệu quả đầu tư.