Các báo cáo tình hình thị trường bất động sản gần đây đều chỉ ra, độ quan tâm đến đất nền đã giảm, nhiều nơi giá đi ngang. Trong khi đó, các các chuyên gia nhận định ở các khu vực tỉnh xa, giá bị đẩy lên quá cao trong các cơn "sốt đất" sẽ giảm giá mạnh trong thời gian tới.
Đất qua cơn "sốt nóng"
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, hiện tại đất nền một số khu vực từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm,… đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số người tìm kiếm, quan tâm.
Trong khi đó, đất nền Thạch Thất giá rao bán tăng 17% nhưng lượng quan tâm và tìm kiếm giảm 2% so với năm 2021. Tương tự, đất nền Quốc Oai giá tăng 20% nhưng mức độ quan tâm giảm 24%; đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%. Giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.
Đối với các thị trường giáp ranh Hà Nội, Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận kịch bản tương tự, theo đơn vị báo cáo. Đơn cử như đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.
Còn tại các khu vực từng là “điểm nóng” của “sốt đất” như thành phố Hạ Long, Móng Cái, thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên ở Quảng Ninh, giá đất bắt đầu đi ngang. Cụ thể, đất nền Móng Cái ghi nhận mức tăng 10 - 20% so với cuối năm 2021 với mặt bằng giá mới được thiết lập trung bình là 23 - 28 triệu đồng/m2. Trong khi giá đất thổ cư trong dân ở vị trí tương đối đẹp dao động trong khoảng 20 - 35 triệu đồng/m2 - bằng giá của năm ngoái.
Tại Bắc Giang, cùng kỳ năm ngoái, đất nền ở một số khu đô thị ở TP Bắc Giang được rao bán ở mức 20 - 25 triệu đồng/m2, thì nay chủ đất ra giá 16,3 - 20 triệu đồng/m2 để thoát hàng, chấp nhận “cắt lỗ” vì đã “ôm đất” quá lâu, không chịu nổi gánh nặng tài chính.
Một số nhà đầu tư và môi giới nhận định, thị trường đất nền ở các tỉnh đã có dấu hiệu chững lại khoảng 2 tháng gần đây. Nguyên nhân xuất phát từ việc dòng tiền bị “siết”, nhiều địa phương tạm dừng phân lô, tách thửa. Đặc biệt, 2 năm dịch bệnh, giá đất ở nhiều tỉnh bị đẩy lên quá cao trong “cơn sốt” đất, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng, thậm chí có khu vực đất nông thôn bị đẩy giá tăng 200 - 300%.
Đồng thời, khi xã hội trở lại trạng thái bình thường, các ngành nghề khác hoạt động trở lại, người ta nhận thấy đầu tư đất nền ở mức giá “ảo” quá rủi ro, nên bắt đầu thanh khoản, chuyển hướng đầu tư.
Đất sốt do đầu nậu, cò đất bắt tay?
Trước những dấu hiệu rủi ro nêu trên, nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) khuyên rằng, nhà đầu tư nên tìm cách bán ra những nền đất xa trung tâm, hạ tầng giao thông hạn chế, chưa có dân sinh mà bị “đẩy giá” quá cao trong các cơn “sốt đất”, thậm chí nên chấp nhận bán cắt lỗ. Tiếp đến là những nền đất có mặt tiền quá nhỏ, ô tô không thể vào được. Bởi lẽ, những nền đất này rất khó thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền.
Trong khi đó, theo chuyên gia Trần Khánh Quang, hiện tại tâm lý e ngại mua bất động sản đã hình thành, nhất là với các BĐS có giá trị cao ở những tỉnh xa. Vì thế, ông Quang cho rằng các BĐS có giá trị trên 20 tỷ đồng sắp tới giao dịch sẽ rất khó khăn, trong khi các BĐS khoảng 10 tỷ đồng sẽ phải giảm giá thì mới thanh khoản được.
Đáng chú ý, các chuyên gia nhận định, việc “sốt đất” đa phần là do các nhóm môi giới, đầu nậu, cò đất bắt tay để tung thông tin không rõ ràng về quy hoạch, rồi liên kết nâng giá đất ở các khu vực ấy. Do đó, giá đất ở những khu vực “sốt đất” là giá ảo, giá bong bóng, không đúng với giá trị thật, nếu nhà đầu tư mua đất ở những khu vực này chắc chắn sẽ lỗ nặng.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ và cập nhật thông tin liên tục về quy hoạch, hạ tầng một cách chính xác; Xem xét mặt bằng giá ở khu vực định mua với những khu vực tương tự, nếu giá chênh quá lớn thì nên cân nhắc; Đồng thời, nên chọn nền đất ở khu vực có người dân sinh sống; Đặc biệt, không nên đầu tư theo tâm lý đám đông.