Ngày 15/11, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính Châu Á và giải pháp thực hiện”. Giới chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng cách ứng phó liên quan tới quản lý tài sản bởi khi xem xét, tác động nợ xấu có hiệu ứng domino giữa các nước.
Trên thị trường mua bán nợ Việt Nam, ngoài Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), còn có hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng thương mại và khoảng 30 công ty mua bán nợ tư nhân. Song điều đáng bàn hơn là doanh số mua bán nợ của các tổ chức này còn rất thấp so với con số nợ xấu đang tồn tại trên thị trường.
Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc DATC, cho biết cuối tháng 6/2018, con số nợ xấu của toàn nền kinh tế là 6,67% tương ứng với giá trị tuyệt đối 486.000 tỷ đồng. Con số này mới chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các tổ chức tín dụng (TCTD) chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế. Trong khi đó, ông Lê Việt Dũng - Phó Trưởng ban phụ trách, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các TCTD.
Quá trình xử lý nợ xấu đã có chuyển biến rõ nét kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42. Theo đó, hàng loạt cơ chế được áp dụng như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, cho phép bán nợ theo giá thị trường, có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc...Vì vậy, kết quả xử lý nợ xấu trong giai đoạn từ 2012 đến nay đã có những kết quả tích cực, tổng nợ xấu đã xử lý trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, hầu hết các TCTD đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 -2020. Trong đó, năm 2018 dự kiến xử lý được khoảng 20-30%, đến cuối năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC) xuống dưới 3%.
Nguồn cung cho thị trường mua bán nợ của Việt Nam khá dồi dào, trong khi nguồn cầu còn hạn chế do những rào cản về chính sách, khiến thị trường mới chỉ có người bán mà thiếu người mua.
Tuy nhiên, do thị trường mua bán nợ còn thiếu hành lang pháp lý, nên sự tham gia của các chủ thể còn hạn chế, thiếu các nhà môi giới, định giá tài sản chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức...
Giới chuyên gia tham gia Hội nghị cho rằng, cần chú trọng hình thành sàn giao dịch mua bán nợ, đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đẩy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư. Đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ, đồng thời cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ. Phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập, giúp cho bên mua và bên bán xác định được giá trị thị trường của khoản nợ, từ đó xem xét quyết định việc mua bán. Tăng cường năng lực tài chính của các đơn vị tham gia thị trường như VAMC, DATC và các AMC của TCTD.