Dịch bệnh hoành hành tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Giới chuyên gia nhận định, thị trường nội địa với 100 triệu dân chính là cứu cánh giúp doanh nghiệp phục hồi.
Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng đang chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid -19, thị trường nội địa chính là chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP.
Quả thực, nắm được “công cụ” quan trọng này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tập trung sản xuất các sản phẩm hướng mạnh vào thị trường nội địa.
Đại diện công ty M2 – một DN ngành may mặc cho biết, thời gian qua, DN này đã thực hiện chiến lược và kế hoạch để khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân, bởi ngay từ khi bước vào thương trường, DN đã coi đây là thị trường tiềm năng cho các DN trong ngành thời trang, may mặc.
Cùng quan điểm, lãnh đạo một công ty lương thực, thực phẩm cho hay, ngay từ đầu công ty đã hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này đã góp phần không nhỏ để DN có thể trụ vững trong khó khăn khi dịch bệnh hoành hành.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, ngay sau khi kết thúc thời gian giãn cách kéo dài trên phạm vi cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021đã lập tức tăng 18,1% so với tháng trước. Đến tháng 11/2021, con số này ước tính tăng 6,2% so với tháng trước. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường nội địa trong tăng trưởng kinh tế.
Thực tế trong suốt hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành, ngành Công thương đã triển khai nhiều giải pháp để giữ thông suốt thị trường nội địa. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - cho biết, Bộ Công thương đã tạo các mối liên kết để giữ hàng hóa được lưu thông trên phạm vi toàn quốc. Đó là mối liên kết giữa DN sản xuất và DN phân phối; giữa DN và các tổ chức đoàn thể; giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau…Vì vậy, ngay trong những ngày khó khăn nhất của dịch bệnh, khi người dân thực hiện giãn cách, những phiên chợ lưu động vẫn được tổ chức thường xuyên, len sâu vào những nơi khó khăn nhất. Chuỗi cung ứng hàng hóa đã được duy trì ngay trong giai đoạn phức tạp của dịch bệnh.
Chính với những động thái đó của ngành Công thương, khi dịch bệnh được kiểm soát, mức tăng của thị trường nội địa đã đóng góp lớn cho mức tăng chung của nền kinh tế.
Quả thực, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất, tại TP HCM và 18 tỉnh, thành phố phía Nam, hàng hóa vẫn đủ đầy phục vụ người tiêu dùng. Hoàn toàn không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Bộ Công thương nhận định, năm 2022, thị trường nội địa được đánh giá sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.
Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp chinh phục thị trường, Bộ này cho biết, trong năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chiều sâu hơn nữa, ở một tầm cao hơn nữa về cách thức triển khai cũng như chất lượng triển khai Cuộc vận động. Theo đại diện Bộ Công thương, Cuộc vận động sẽ hướng đến để hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, để khi thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do, hàng hóa của chúng ta vẫn giữ thế chủ động, được người tiêu dùng ưa chuộng ngay trên sân nhà.
Và để hiện thực hóa điều này, giới chuyên gia cho rằng, các DN trong nước cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa, bên cạnh đó đẩy nhanh số hóa ngành thương mại trong nước bằng cách kết hợp thương mại điện tử, công nghệ số để giúp tiết kiệm được hơn nữa chi phí logistics, giảm giá thành để người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa tốt và có giá thành hợp lý.