Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Chương trình này được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để ổn định thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Nhận định về thị trường lao động Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt là vào đầu năm 2022, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, với sự kết hợp các biện pháp thích ứng linh hoạt trong phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động Thủ đô dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc và sôi động trở lại.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực, năm 2022, thị trường lao động tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến toàn thành phố có 4.931.790 lao động làm việc trong các lĩnh vực.
Tuy nhiên, dù thị trường lao động ở nhiều thành phố, địa phương đã có những điểm sáng, nhưng theo các chuyên gia, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, khó kiểm soát ở một số địa bàn làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đưa ra dự báo về thị trường lao động trong năm 2022, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, dự báo trong năm 2022 với kịch bản khả quan nhất (dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đến hết quý I/2021 hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ dân số được tiêm phòng covid-19) thì đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong khi tại các tỉnh, thành phố dư cung lao động lại thiếu việc làm.
Hiện Bộ LĐTBXH đã ban hành “Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động”, trong đó, có chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, chi phí đi lại, y tế, sắp xếp nơi ở tạm thời, hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt; các giải pháp để thu hút lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc… Mục tiêu đặt ra trong năm tới là từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả.
Theo ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH, để triển khai “Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động”, cần ban hành dự án cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho thị trường lao động. Trong các dự án cụ thể, xác định từng nhóm đối tượng, mục tiêu, giải pháp, đặc biệt vấn đề tài chính để thực hiện có hiệu quả các dự án. Theo đó, cần có những dự án hỗ trợ người lao động từ khu công nghiệp về quê; dự án phát triển lĩnh vực, ngành nghề mới; Dự án nâng cao hỗ trợ trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện hỗ trợ thông tin thị trường lao động - dự án này phải có nguồn kinh phí thoả đáng, đảm bảo đúng tính chất hoạt động vì mục tiêu xã hội…
Ở góc độ khác, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để vực dậy thị trường cần tổng thể các giải pháp, trong đó vai trò của các địa phương rất quan trọng. Theo đó các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Bao gồm nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc.
Mục tiêu lao động - việc làm năm 2022: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%. Hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc...