Đến hẹn lại lên, cứ cuối năm là thời điểm các đơn vị sản xuất phim lại cho ra mắt các sản phẩm hài Tết. Thế nhưng, khác với mọi năm, thị trường phim hài Tết 2020 đang khá ảm đạm và có nguy cơ thoái trào.
Cảnh trong phim “Giác mộng quan trường”.
Bình mới, rượu cũ
Dạo qua một vòng thị trường phim hài Tết, không khó để nhận ra các sản phẩm năm nay hầu hết là các phần tiếp theo trong các chuỗi seri như “Giấc mộng quan trường”, “Đại gia chân đất 10”, “Tết vui phết - Mr. Lù 3”, “Tết ơi là Tết”, “Làng ế vợ 6”… trong đó, nội dung và các tuyến nhân vật cũng không có nhiều thay đổi.
Đơn cử như “Đại gia chân đất 10” vẫn tiếp tục câu chuyện của hai người “đại gia nông dân” là Tích và Sự với sự tham gia của những khuôn mặt quen thuộc như Trung Hiếu, Quang Tèo, Thanh Tú, Thu Huyền... Điểm mới trong phần 10 của “Đại gia chân đất” là bên cạnh câu chuyện của gia đình ông Tích và ông Sự sẽ có sự lồng ghép nội dung về Táo quân. Ở đó, các vấn đề thời sự cũng được khéo léo đưa vào câu chuyện như ngộ độc rượu, trao nhầm con, xả rác gây ô nhiễm môi trường, tình nghĩa vợ chồng, tình anh em lỏng lẻo…
Cũng khai thác nội dung về gia đình, “Tết vui phết - Mr. Lù 3” vẫn xoay quanh những vấn đề gần gũi với cuộc sống. Với sự tham gia của các nghệ sĩ Công Lý, Trung Hiếu, Thanh Hương… thông qua các câu chuyện và tình huống mà nhân vật Mr. Lù gặp phải, phim truyền tải đến khán giả những thông điệp nhân văn.
Trong số các sản phẩm hài Tết, “Giấc mộng quan trường” của đạo diễn Linh Đồng là phim duy nhất được làm theo thể loại hài dân gian và đã hoàn chỉnh phần hậu kỳ. Phim phê phán thói hư tật xấu của các bậc quan tham trong xã hội phong kiến, đồng thời lồng ghép câu chuyện cảm động về những người không bị cám dỗ bởi đồng tiền hay danh lợi. “Giấc mộng quan trường” có sự tham gia của NSND Tiến Đạt, NSƯT Thu Hạnh, Trung Dân, Trà My, Giang Còi... Có thể thấy vẫn là câu chuyện “bình mới, rượu cũ”. Sau sự ra đi của cây “đại thụ” làng phim hài Việt Nam Phạm Đông Hồng, dường như các đơn vị sản xuất, đạo diễn hiện nay đang khá dè dặt khi cho ra mắt các sản phẩm phim hài mới, thậm chí nhiều tác phẩm đang có xu hướng chạy theo thương mại hóa. Chính vì sự phụ thuộc này mà nhiều phim bí, lồng ghép quá nhiều quảng cáo kèm những chiêu trò, hình ảnh phản cảm để câu view, từ đó tạo ra những tiếng cười nhạt nhẽo, làm mất dần đi lượng khán giả. Không những vậy, hiện nay phim hài nói chung và phim hài Tết nói riêng không phát hành dạng đĩa mà dưới dạng online, dẫn đến sự kiểm duyệt có phần “dễ dãi”. Nhiều bộ phim thông qua công cụ online đã “lách luật”, cho ra đời những tác phẩm có nhiều cảnh hở hang, ngôn ngữ thô tục đã khiến cho những phim hài Tết khác bị đánh đồng là “rẻ tiền” và không còn là “món ngon” mà khán giả muốn đón nhận mỗi dịp Tết đến xuân về.
Theo đạo diễn Lê Hồng Quang, phải nhìn thẳng vào sự thật là khán giả không phải là người trả tiền trực tiếp cho việc xem phim hài Tết, mà doanh thu phim hài Tết phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo nhãn hàng, bán bản quyền khai thác lại trên truyền hình và doanh thu từ YouTube. Tất cả những nguồn thu trên đều sụt giảm trong thời gian gần đây, vì kinh tế trong nước nhìn chung không thật sự khởi sắc, những nguồn thu còn lại chỉ mang tính giá trị gia tăng, cho nên nhà đầu tư không mặn mà việc sản xuất phim hài Tết.
Sự thoái trào
Tìm kiếm cụm từ “phim hài Việt” trên công cụ Google hoặc YouTube không khó để tìm ra hàng nghìn, các chương trình gameshow hài truyền hình và các kênh hài cá nhân, sitcom phát trên mạng xã hội. Thị trường hài Tết những năm qua là “cuộc đua” không khoan nhượng từ lĩnh vực phim điện ảnh tới phim chiếu trên nền tảng internet. Mặc dù trong cuộc đua ấy, khán giả vẫn chỉ thấy quanh đi quẩn lại là những cái tên quen thuộc của những mùa cũ. Và không thể phủ nhận: Nhiều bộ phim hài được đầu tư bài bản, kinh phí lớn đang hoàn toàn “lép vế” trước những sản phẩm hài “online”.
Tham gia sản xuất nhiều sản phẩm hài Tết, đạo diễn Trần Bình Trọng thừa nhận: Hiện nay khán giả không phải đợi đến Tết mới được xem hài, mà họ xem hàng ngày trên mạng với đủ các thể loại “trên trời dưới biển”, nên họ không mặn mà với hài Tết nữa. Đó cũng là một áp lực không nhỏ đối với các đơn vị sản xuất hài Tết. Chính vì nguyên nhân này mà các “Mạnh thường quân” trong nhiều năm qua cũng không mặn mà đầu tư cho hài Tết. “Nhiều đơn vị cứ tưởng làm hài Tết dễ “ăn” nên lao vào làm nhưng làm không đến nơi đến chốn, sản phẩm kém chất lượng, kịch bản nhảm, nhạt” - đạo diễn Trần Bình Trọng chia sẻ.
NSND Trung Hiếu cũng cho rằng: Việc lạm dụng các “cảnh nóng” cũng đang làm cho phim hài Tết tự “giết chết” chính mình. Việc chủ ý lạm dụng cảnh hở hang đã khiến cho các nhà sản xuất tự sàng lọc chính mình. Và cũng chính những nhà sản xuất có tư duy làm phim như thế tự làm mất đi giá trị của hài Tết, của một thể loại phim được cho là “đặc sản”. Nhiều nhà sản xuất hoặc đạo diễn cứ nghĩ sa đà theo hướng đó sẽ hút được khách, nhưng thực tế càng làm như thế lại càng hại mình. Mình là những hãng sản xuất phim tư nhân và việc chạy theo những thị hiếu tầm thường sẽ là giết chết mình... “Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế tự vận động và tự mình phải khẳng định. Anh tự đào thải mình thì cả xã hội sẽ quay lưng với anh. Anh sản xuất ra phim mà không có ai xem, tức không có lãi, thì anh tự phá sản thôi” - NSND Trung Hiếu bày tỏ.
Có thể thấy, sau khi chương trình “Táo quân” dừng sản xuất, các sản phẩm hài Tết cũng dường như rơi vào sự thoái trào. Bởi tiêu chí là một sản phẩm hài để cả một gia đình nhiều thế hệ cùng thưởng thức trong dịp Tết đến Xuân về đang hiếm có bộ phim nào đáp ứng được. Hơn bao giờ hết những phim sitcom và hài Tết cần thay đổi những fomat đã lỗi thời với khán giả.