Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng lần này mở rộng đối tượng thi tuyển kể cả trong quy hoạch và ngoài quy hoạch. Thông qua đó sẽ thu hút, bổ nhiệm được người tài đồng thời xóa bỏ tâm lý bổ nhiệm nhầm người, gây bức xúc dư luận.
Ông Trương Hải Long.
PV:Xin ông chia sẻ về Đề án thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, phòng?
Ông Trương Hải Long: Thực hiện Thông báo kết luận số 202-TB ngày 26-5 của Bộ Chính trị, ý kiến của Ban Bí thư tại Công văn số 3135 của Văn phòng Trung ương, sau khi có sự thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2424 hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới các tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Theo đó, thông qua thi tuyển sẽ phát hiện, trọng dụng người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực trí tuệ cho đất nước. Thông qua thi tuyển sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý tại Bộ, ban, ngành, địa phương.
Vậy những tỉnh, thành nào sẽ thí điểm thi tuyển thưa ông?
- Theo văn bản hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng, có 14 bộ ngành Trung ương và 22 địa phương thực hiện thí điểm. Trong đó có Bộ GĐ-ĐT, Y tế, Công thương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lào Cai... Tuy nhiên, các Bộ ngành địa phương khác ngoài 36 đơn vị trên nếu thấy đủ điều kiện có thể tổ chức thi tuyển theo đề án. Việc tổ chức thi chỉ thí điểm chứ chưa bắt buộc. Tóm lại, cơ quan nào thấy đủ điều kiện thì thực hiện. Thi hay không thi do cấp ủy bộ ngành địa phương chủ động.
Đề án của bộ có đưa ra quy chuẩn chung cho thi tuyển để đảm bảo tính thống nhất không thưa ông và đâu là điểm đột phá của Đề án?
- Bình thường, khi có nhu cầu chỉ cần lấy người trong quy hoạch ra xem xét. Nay có thi tuyển, người ngoài quy hoạch cũng có thể cạnh tranh.
Điểm đột phá của Đề án này có sự đổi mới mang tính thu hút để nhiều thành phần nếu đủ tiêu chuẩn đều có thể tham gia. Theo đó, ngay cả người không phải đảng viên, chưa trong quy hoạch có thể tham gia nếu được đề cử. Như vậy, người trong cơ quan, xét thấy đối tượng này chưa đủ điều kiện, nhưng là người tài, sẽ đề cử cho cá nhân này được phép thi tuyển cạnh tranh công bằng với các ứng viên khác.
Vướng mắc nhất của thi tuyển ở nhiều địa phương thời gian qua đó là giải quyết người trong quy hoạch nếu người ngoài quy hoạch trúng tuyển. Vậy thì thi tuyển có cần phải quy hoạch cán bộ không, thưa ông?
- Thi tuyển mới chỉ là thí điểm, mọi công tác cán bộ vẫn thực hiện theo nguyên tắc trước đây. Để gỡ những vướng mắc giữa người trong và ngoài quy hoạch chỉ có giải pháp là tất cả đều phải thi. Như vậy, đã là người trong quy hoạch tại chỗ phải dự thi. Nếu kết quả cao nhất đương nhiên anh trúng tuyển. Còn nếu không thi anh sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch. Như vậy cơ hội là như nhau với người trong và ngoài quy hoạch.
Ai sẽ là giám khảo sát hạch để chọn được đúng người cho những vị trí còn trống, thưa ông?
- Qua thí điểm thi tuyển nhiều địa phương có cách làm khác nhau. Có địa phương, thành viên hội đồng giám khảo là tập thể lãnh đạo của đơn vị, nhưng có địa phương lại mời thêm giám khảo là người ngoài cơ quan. Còn trong Đề án ghi rõ, 70% cấp ủy, tập thể lãnh đạo phải nằm trong hội đồng xét duyệt các thí sinh. Phải có 70% là để thể hiện trách nhiệm của đơn vị trong việc chọn người tài cũng đồng thời để họ phải công nhận kết quả của cuộc thi ấy chứ không cần phải xem xét lại kết quả ấy một lần nữa.
Thi tuyển như vậy có sát vị trí việc làm không thưa ông?
- Chắc chắn sẽ phù hợp chức danh bổ nhiệm. Đề án ghi rất rõ sẽ thi viết và trình bày đề án. Thi viết sẽ là những kiến thức chung bất cứ công chức nào cũng cần nắm được. Đặc biệt phần thuyết trình đề án phải gắn với chính vị trí mình dự tuyển thí sinh mới có thể thuyết phục được ban giám khảo. Tất nhiên, ngoài quy định chung, tiêu chuẩn công tác cán bộ, cấp có thẩm quyền quy định phù hợp với điều kiện, vị trí cần bổ nhiệm.
Thưa ông, nếu thực hiện thi tuyển công khai có khắc phục được tình trạng bổ nhiệm người nhà không?
- Việc đổi mới phương thức thi tuyển, nguyên tắc công khai minh bạch là giải pháp khắc phục bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm người thân gây bức xúc trong dư luận vừa qua. Tôi cho rằng, nếu làm công tâm, công khai minh bạch, sẽ hạn chế được những sai sót không đáng có, tìm được đúng người cho nền công vụ. Để tránh tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ, hiện Bộ Nội vụ đã giao bộ ngành kiểm tra công tác bổ nhiệm 30% hàng năm. Điều này sẽ ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay.
Thi tuyển đúng nhưng vẫn chọn người sai, sau khi bổ nhiệm cá nhân đó không đáp ứng được yêu cầu sẽ giải quyết thế nào?
- Kết quả thi sẽ là người nào đỗ cao nhất sẽ được bổ nhiệm. Tất nhiên sau khi người đó được bổ nhiệm tập thể cấp ủy phải tạo điều kiện cho người ta làm việc. Còn nếu anh vào đó mà không đáp ứng yêu cầu có thể do chủ quan, khách quan chứ không phải do kết qủa thi sai. Tuy nhiên, không thể để tình trạng có vào mà không có ra. Chúng tôi sẽ nghiên cứu cơ chế loại bỏ nếu thực sự cán bộ đó không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trân trọng cảm ơn ông!