Giáo dục

Thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội: Khó có 'mưa' điểm 10

Lam Nhi 10/06/2024 09:47

Ở cả 3 môn thi Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, đề thi được đánh giá vừa sức thí sinh Hà Nội nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa, phù hợp để xét tuyển vào các trường THPT.

anhbaitren(2).jpg
Thí sinh rạng rỡ sau khi kết thúc kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Đề thi phân hóa

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Sen (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An, Thanh Trì, Hà Nội) nhận định cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên như mọi năm, không gây bất ngờ cho thí sinh. Trong đó, 3 câu đọc hiểu liên quan đến bài thơ “Đồng chí” của tác giả Chính Hữu là tác phẩm quen thuộc trong chương trình nên những thí sinh học chắc phần này có thể đạt ít nhất 5/6,5 điểm tổng thể. Câu nghị luận xã hội là câu phân loại thí sinh khi bàn đến một chủ đề nóng trong xã hội hiện đại là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: “Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta”.

Cô giáo Đình Thị Thủy, giáo viên Trường Phenikaa School đánh giá đề Ngữ văn đảm bảo cấu trúc ma trận như công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) với 60-70% câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu, 30-40% câu hỏi mức độ vận dụng, vận dụng cao. Đề thi cũng đảm bảo sự kế thừa, tiếp nối cấu trúc đề thi của Sở GDĐT Hà Nội những năm gần đây với 2 phần. Riêng câu 3 là cơ hội cho các em nhìn nhận bản thân trong mối quan hệ với chính mình, với người thân yêu. “Yêu cầu đề đánh thức nhu cầu được thể hiện quan điểm sống, quan điểm cá nhân, thể hiện được “tiếng nói của trái tim”, thể hiện cả phần “con người văn hóa” của mỗi học sinh.” - cô Thủy nói.

Với môn Toán, thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường (Hệ thống giáo dục HOCMAI) nhận định đề thi giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây, đồng thời bám sát cấu trúc định dạng và đề minh họa do Sở GDĐT đã công bố ngày 2/5/2024 nhưng có sự giảm nhẹ về độ khó. Bên cạnh đó, đề vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Dự kiến, mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng 7 điểm. Nhiều thí sinh học lực khá chia sẻ có một ý cuối bài hình và phần đại số là khá khó, các em chưa từng học trong chương trình nên không làm được.

Tại điểm thi Trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), thí sinh Minh Hằng (Trường THCS Pascal) chia sẻ, đề thi môn Tiếng Anh với em có một số câu khó. Trong khi đó, Diệu Anh (lớp 9A3, Trường THCS Mai Dịch) cho rằng, đề thi khá dễ so với các đề em đã ôn luyện trước đó nên kỳ vọng kết quả khả quan. Nhận định chung của nhiều giáo viên về đề Tiếng Anh đó là không có cơn mưa điểm 10 do độ khó nhỉnh hơn so với năm trước.

Hồi hộp chờ điểm chuẩn

Với cách tính điểm thi như hiện nay, sau khi kỳ thi kết thúc, nhiều thí sinh đã gần như dự đoán chính xác số điểm mình sẽ đạt được. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc vẫn phải chờ thông báo chính thức về điểm chuẩn của Sở GDĐT Hà Nội, dự kiến sẽ công bố ngày 6-9/7, trong khi điểm thi của từng thí sinh dự kiến công bố muộn nhất ngày 2/7.

Như mọi năm, điểm xét tuyển lớp 10 năm nay = (điểm Toán + điểm Văn) x 2 + điểm Ngoại ngữ + điểm ưu tiên.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội luôn căng thẳng vì sau kỳ thi sẽ chỉ khoảng 60% học sinh đỗ vào trường công lập, còn lại là rẽ hướng sang trường dân lập, trường nghề… Dù đề thi dễ hay khó, nhiều thí sinh làm được bài hay rơi nước mắt, thì trong cuộc đua vào lớp 10 trường công lập, điểm số của riêng thí sinh đó chưa nói lên được việc đỗ hay trượt. Điều này còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký vào trường năm học đó là bao nhiêu, chỉ tiêu vào trường tăng, giảm hay giữ nguyên so với năm học trước.

Từ nay đến khi có kết quả thi là thời điểm thí sinh nghỉ ngơi, lấy lại sức sau quãng thời gian học tập căng thẳng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vì thời gian nghỉ khá dài nên nếu để các em vui chơi thoải mái, không có sự định hướng, giám sát từ người lớn thì cũng không nên, thậm chí có nguy cơ làm học sinh đó chững lại.

Lời khuyên cho những em học sinh lứa tuổi 15 đó là hãy tận hưởng mùa hè với những hoạt động đa dạng khác nhau sau thời gian dài vùi đầu vào sách vở. Có thể là học thêm một số môn năng khiếu, trải nghiệm các khóa học về kỹ năng phù hợp, tham gia các hoạt động thể thao, đi du lịch với người thân, bạn bè, về quê gắn kết tình cảm gia đình… Hãy để những ngày tháng tuổi trẻ không lãng phí, nuối tiếc khi nhìn lại chỉ toàn cắm cúi với điện thoại, máy tính, thế giới ảo… mà là những trải nghiệm thực tế, thú vị, trưởng thành hơn mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội: Khó có 'mưa' điểm 10