Thích ứng biến đổi khí hậu: Cần chuyển đổi nhận thức và hành động

Lam Nhi 24/10/2017 09:05

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức hội thảo Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam.

Tại đây, một lần nữa BĐKH được đưa ra với những cảnh báo như: BĐKH là một trong những nguyên nhân làm gia tăng thiên tai, mưa bão lũ có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường…

Nông dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Theo thống kê, chỉ trong 20 năm, từ 1990-2009 đã xảy ra gần 250 trận lũ quét ở trên hầu hết vùng, tập trung phần lớn ở vùng núi phía Bắc.

Sự gia tăng liên tục của các trận lũ quét và ngày càng nghiêm trọng cho thấy tác động của BĐKH là rất lớn, đặc biệt BĐKH đã gây gia tăng cả lượng và cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn ở các vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Mặc dù chúng ta đang tập trung những nỗ lực cao nhất của toàn xã hội để ứng phó, nhưng hiện tại và tương lai cần phải hướng và thực thi các biện pháp tổng hợp quản lý lưu vực sông, các khu vực và vùng trọng điểm thường xuyên bị lũ lụt đe dọa.

Tạo ra hệ thống các văn bản pháp quy về phòng tránh thiên tai, phối hợp các biện pháp công trình và phi công trình thích hợp cho từng lưu vực, từng vùng cụ thể để giảm, hạn chế lũ lụt, giảm thiệt hại về người và tài sản.

“Phải xã hội hóa mọi hoạt động phòng tránh thích nghi với tác động của BĐKH đưa đến gia tăng hiểm họa thiên tai. Trong đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản tạo nhận thức và đầy đủ hơn về hiện tượng lũ lụt dưới tác động của BĐKH”- PGS.TS Lê Bắc Huỳnh kiến nghị.

Cụ thể, phân tích mức độ hạn hán thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ, duyên hải miền Trung cùng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, mức độ suy giảm nguồn nước mùa kiệt dẫn tới hạn hán ở Tây Nguyên những năm qua, nghiên cứu chỉ ra rằng nếu không thực thi những biện pháp hữu hiệu thì kịch bản này sẽ tiếp tục xảy ra ở những năm tiếp theo với mức độ trầm trọng hơn.

Tăng cường xây dựng chính sách, thể chế và nhận thức trong xã hội là những giải pháp để giảm nguy cơ xảy ra hạn hán cũng như giảm thiệt hại khi thiếu nước.

Đồng thời với đó là tăng cường quản lý tổng hợp lưu vực sông, chú trọng bảo vệ và phát triển nguồn nước. Cần chuyển đổi nhận thức và hành động, tập quán để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội phải hài hòa với điều kiện về nguồn nước trên lưu vực, ở địa phương.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS TS Phùng Chí Sỹ- Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC) TP HCM cho biết, một số mô hình giảm nhẹ đang được thực hiện hữu hiệu ở Đồng bằng sông Cửu Long như trữ nước mưa, nước sạch bằng túi cao su mềm, trồng rừng ven biển, xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón, phát triển điện sinh khối…

“Để ứng phó với BĐKH, rất nhiều mô hình đã và đang được áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương trên cả nước. Đối với nông nghiệp, cần tìm các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết – khí hậu khắc nghiệp hơn, điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời đề xuất và thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới như các kiểu kiến trúc nhà, ngoại cảnh, các trang thiết bị phòng tránh thiên tai ở mức cộng đồng…”- ông Sỹ khái quát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thích ứng biến đổi khí hậu: Cần chuyển đổi nhận thức và hành động