Mặt trận

Thiền sư Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm

Tuệ Phương 03/03/2024 15:42

Nhân kỷ niệm 690 năm Đệ tam Tổ Huyền Quang viên tịch, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội vừa tổ chức Tọa đàm khoa học Đệ tam Tổ Huyền Quang (1254 – 1334) với Phật giáo Trúc Lâm, tại chùa Ngọa Vân (Quảng Ninh).

a1-3-.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ, cuộc đời của Trúc Lâm Đệ tam Tổ - Thiền sư Huyền Quang là một cuộc đời trọn vẹn với hạnh nguyện cống hiến hết tài năng và trí tuệ cho đạo và đời. Thuở trai trẻ làm quan trong triều thì hết lòng phụng sự triều đình, rồi từ quan xuất gia tu Phật, cùng với Trúc Lâm Sơ Tổ và Nhị Tổ Pháp Loa đi khắp mọi nẻo đường nỗ lực hoằng dương Phật pháp Trúc Lâm. Ngài biên soạn kinh sách, xây dựng đạo tràng, đào tạo tăng tài, đăng đàn thuyết pháp, xây dựng chùa chiền, viết vịnh đề thơ… và hơn hết, Ngài đã làm cho dòng chảy Phật pháp Trúc Lâm lưu truyền mãi mãi trong dân gian, để nhiều đời sau, dù không còn ghi nhận sự truyền thừa chính thức nhưng tinh thần, trí tuệ, tư tưởng và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt.

a2-1-.jpg
Hòa thượng Thích Thanh Quyết phát biểu tại Tọa đàm.

Còn theo TS. Đinh Thị Thùy Hiên, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Huyền Quang hiện được biết đến rộng rãi với tư cách Đệ tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Trước tác mà ông để lại, các dòng ghi chép về nhân vật Lý Đạo Tái - thiền sư Huyền Quang trong sách sử, sách truyền đăng, bia ký,… sự hiện diện của tháp mộ Đăng Minh trong khuôn viên chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc, các pho tượng và bài vị đệ tam tổ Huyền Quang trong bộ tượng, bộ bài vị Tam tổ ở một số ngôi chùa cổ nổi tiếng… từ lâu đã thu hút mạnh mẽ học giả từ nhiều lĩnh vực, cả trong lẫn ngoài Giáo hội Phật giáo. Những kết quả nghiên cứu đã đem lại nhận thức phong phú và sâu sắc về một nhân vật lịch sử tài năng xuất chúng, có nhiều đóng góp cho đất nước thời kỳ nhà Trần cai trị; về một vị thiền sư có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Phật giáo Đại Việt. “Ảnh hưởng của đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm để lại rất lớn. Huyền Quang hiện diện trên Phật điện ở vị trí Tổ thứ ba của Thiền phái. Và một điều hầu như chưa được quan tâm nhiều là từ đời thực ông còn bước vào thần điện của tín ngưỡng dân gian Việt” TS Đinh Thị Thùy Hiên thông tin.

z5211195372353_2e0a2eda46e1d27e3da0faa5e785dcd0.jpg
Nơi lưu giữ xá lị Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Ngoạ Vân.

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu cũng bàn về những câu chuyện về Thiền sư Huyền Quang; tư tưởng Phật giáo và vai trò của thiền sư với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần; Đệ tam tổ Trúc Lâm và văn hóa tôn giáo Việt Nam trong dòng chảy văn hóa dân tộc; Thiền sư Huyền Quang và những giá trị tư tưởng nhân sinh quan Phật giáo; hệ thống chùa tháp Phật giáo Trúc Lâm trên dãy Yên Yử và dấu ấn của Tam tổ Huyền Quang…

a3-1-.jpg
Đệ tam Tổ Huyền Quang.

Thông qua các ý kiến của các đại biểu, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nhìn nhận, di tích Ngọa Vân là điểm đến tâm linh quan trọng, là nơi “Vua hóa Phật”, nơi kết thúc trọn vẹn cuộc đời vì đạo thuyết pháp độ tăng, vì đời xây dựng và bảo vệ đất nước của Phật hoàng Trần Nhân Tông và vai trò tiếp nối của Thiền sư Huyền Quang. Ban tổ chức sẽ cùng các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, biên tập thành kỷ yếu, lưu lại những cống hiến của Đệ Tam tổ Huyền Quang đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

z5211196561748_ea0c61d0b24e4bb99e739a81759c9bd0.jpg
Đêm thơ Huyền Quang.

Nhân dịp này, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Ban quản lý di tích chùa Ngọa Vân cũng đã tổ chức đêm thơ Huyền Quang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiền sư Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO