Gần 70% dân số Việt Nam sống tại các vùng nông thôn. Tầm quan trọng của sự phát triển nông thôn thân thiện với môi trường đã được các nhà lãnh đạo chính sách thừa nhận và đưa vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển nông thôn bền vững, trước những thách thức về thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) lại là một vấn đề vô cùng khó.
Người nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: Việt Thanh
Giảm thiếu và thích ứng với thiên tai
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Năm 2015 ảnh hưởng của BĐKH đã thể hiện rất rõ. Hạn hán khiến cho 40 nghìn hécta của chúng ta không trồng được gì, 120 nghìn hécta bị ảnh hưởng chưa nói đến lũ và các vấn đề khác. Có thể thấy là vô cùng nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, ông Thắng cũng cho biết Bộ NN&PTNT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các công tác ứng phó với BĐKH: Với BĐKH chúng ta có hành động thích ứng và giảm thiểu. Về mặt khung pháp lý đã có NQ 24 về thích ứng với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, các chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng BĐKH, phòng chống thiên tai… Từng Bộ ngành địa phương cũng đã tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, chúng ta đã tiếp cận được tri thức kinh nghiệm thế giới, tiến bộ KHCH tốt, và cũng đã có đầu tư… Nhưng đấy là chưa đủ. Nếu tất cả mọi người dân không chung tay thì tôi nghĩ sẽ rất khó giải quyết.
Với bối cảnh VN, ông Thắng cho rằng: Trách nhiệm của quốc gia chúng ta phải làm là cả giảm thiểu và thích ứng. Chính phủ VN đang rất cố gắng để giảm thiểu. Còn thích ứng thì tất nhiên phải nỗ lực rồi, không thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân chúng ta. “Trước đây tại VN, nông nghiệp chiếm khoảng 4% lượng phát thải. Nhưng hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống, công nghiệp có vẻ tăng lên, do nhu cầu năng lượng. Chúng ta phát triển rất mạnh nguồn năng lượng sử dụng hóa thạch như than đá, dầu mỏ… Còn nông nghiệp cũng tham gia phát thải mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng lúa…” – ông Thắng nói.
Để giải quyết vấn đề, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trình Chính phủ phê duyệt, theo hướng nâng cao phát triển bền vững. Đồng thời đang có rất nhiều nỗ lực giảm phát thải như các phương thức canh tác tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm.
Những rào cản lớn
Trong những việc phải làm của Bộ NN&PTNT, có một rào cản vô cùng lớn được đặt ra, là vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH. Đặc biệt là đến với những vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Bà Lưu Thị Thu Giang, chuyên viên về BĐKH, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Nếu nói về sự nhận thức hay sự tham gia của cộng đồng thì có lẽ phải đi từ vấn đề chính sách. Các chính sách tập trung ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn còn tập trung ở cấp Trung ương. Mặc dù có nỗ lực ở địa phương, tuy nhiên đối với các nhóm đối tượng chúng tôi làm việc thì thấy việc tiếp cận diện rộng với nhóm cộng đồng vẫn là rào cản. Cộng đồng thực hiện hành động thích ứng như thế nào? Họ dùng kiến thức bản địa tự điều chỉnh thay đổi hạnh động sinh kế của họ. Tuy nhiên để có bức tranh tổng thể BĐKH tác động đối với họ như thế nào thì là một rào cản lớn.
BĐKH tác động khác nhau lên các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó nhóm đối tượng người nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Với nhóm dân cư tại vùng đồng bằng hay thành thị, thì việc tiếp cận thông tin về BĐKH có rào cản ở vấn đề hiểu thông tin, nhưng với nhóm người DTTS thì sẽ nâng thêm một mức nữa, vì để họ tiếp cận được thông tin là một khó khăn. Vì có những nơi không có tivi, hoặc hệ thống loa đài không được phổ quát rộng. BĐKH là thuật ngữ khá khoa học, để hiểu rõ bản chất cần có hiểu biết nhất định, còn với người DTTS để hiểu những ngôn ngữ thông thường đã là một khó khăn. “Để người dân hiểu được sự tác động trực tiếp tới mình, chúng tôi vẫn thấy là một rào cản”, bà Giang chia sẻ.
Nói về điều này, ông Thắng cho hay: “Cách giúp cho người dân thích ứng với BĐKH hiện đang được các ngành nỗ lực. Về phòng chống thiên tai chúng ta có đề án Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đề án này hiện đang nỗ lực nâng cao năng lực cho khoảng 6 nghìn xã, được các tổ chức quốc tế hỗ trợ rất nhiều. Hay như vừa qua chúng tôi làm chương trình nước sạch, cũng đề cao truyền thông, làm sao để người dân phải tự nhận thức được vấn đề này. Chúng tôi nhận thức được rằng cần phải tăng cường hơn nữa, có những phương pháp truyền thông phù hợp hơn nữa đối với những vùng khó khăn này…”
Ông Thắng cho biết thêm: Chúng ta nói rất nhiều đến BĐKH, tuy nhiên rất nhiều hành vi của chúng ta tác động trực tiếp đến thiên tai. Chúng ta cần hiểu, lũ có một phần do độ che phủ rừng kém. Việc chúng ta làm suy giảm rừng ngập mặn, khai thác cát vô tội vạ… là nguyên nhân trực tiếp mà chúng ta phải làm rõ, chứ không thể đổ tội cho BĐKH ở đâu đâu, làm gia tăng thách thức do BĐKH mang lại. “Quan điểm của tôi là ưu tiên giải pháp dựa vào hệ sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ rừng, giữ cát không thiếu hụt… là những giải pháp rất hữu hiệu quan trọng, cần được triển khai ở cộng đồng”.
Sự mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển luôn luôn tồn tại. Chính vì vậy, theo ông Thắng: “Chúng ta có hai cách tiếp cận một là quản lý, chúng ta có nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Có chính sách khuyến khích người dân cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sạch, công nghệ ít phát thải… Hai là chính sách phải làm đồng bộ. Mặc dù có cố gắng nhưng tôi nghĩ vào cuộc sống vẫn còn khoảng cách. Bây giờ chúng ta cố gắng kiểm soát công nghệ môi trường, nỗ lực kiểm tra vấn đề vi phạm môi trường”…
Nguy cơ thường trực cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương Ngày 19/11, UBND TP Cần Thơ cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo thích ứng với BĐKH cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trần Quốc Trung |