Đó là vấn đề mới và quan trọng trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 được thông qua với đa số phiếu tán thành của ĐBQH tại phiên họp bế mạc-phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, diễn ra ngày 12/4.
Phiên họp bế mạc Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.
Cơ cấu lại nền kinh tế
Với 93,52% ĐBQH tán thành Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Nghị quyết đề ra mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các đại biểu tại phiên bế mạc.
Theo Nghị quyết này, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thực hiện nghiêm Luật ngân sách nhà nước, Luật phí và lệ phí và các luật thuế. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.
Nghị quyết cũng yêu cầu cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với tăng năng suất lao động. Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.
Phấn đấu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội. Bảo đảm mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. Cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 74-75 tuổi.
Đó là hai vấn đề quan trọng được Nghị quyết đưa ra. Theo đó, kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của Luật phòng, chống tham nhũng nhất là việc kê khai trung thực, chính xác đầy đủ của người kê khai và cơ quan có trách nhiệm kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Đánh giá kiểm soát dòng tiền thu nhập thông qua mở tài khoản tại ngân hàng, trên cơ sở đánh giá hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ, thực chất.
Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả; cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân; phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan thông tin truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
“Có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí” - nghị quyết nêu rõ.
Nghị quyết cũng yêu cầu, hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng chính sách, pháp luật theo hướng cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch từng thủ tục hành chính đối với từng ngành, từng lĩnh vực; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện và chấp hành pháp luật. Tổ chức giám sát việc triển khai thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Đổi mới công tác tuyển dụng, sa thải, cho nghỉ việc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, bảo đảm đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, hiệu quả; đánh giá kết quả, hiệu quả việc thực hiện xác định vị trí việc làm báo cáo Quốc hội cuối năm 2016; xác định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội đối với chính quyền các cấp.
Nghị quyết nêu rõ: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, bảo đảm số lượng hợp lý, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết.
Xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nhất là ở khu vực biển đảo; chủ động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích người dân trên biển. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Tăng cường an ninh, an toàn thông tin mạng, bảo đảm trật tự, an toàn và giảm tai nạn giao thông”.
Cùng ngày, với 94,13 % ĐBQH tán thành Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016.
Tôi thấy vẫn trang nghiêm
Đó là trả lời của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 diễn ra cùng ngày khi trả lời báo chí về việc “khi lãnh đạo tuyên thệ thì nhiều ĐBQH ở dưới đứng lên cầm điện thoại chụp ảnh trông rất phản cảm đối với một việc trang nghiêm như thế, trong khi đang truyền hình trực tiếp cho cử tri xem”.
Theo ông Phúc, việc tuyên thệ không phải là mới khi năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tuyên thệ trước đồng bào ở Tân Trào, cho nên chúng tôi lấy ý tưởng đó. Mỗi nước có tuyên thệ khác nhau, có nơi đứng, có nơi ngồi, còn nước ta tổ chức như vậy. Các ĐBQH muốn có kỷ niệm nên đứng lấy máy ảnh chụp là bình thường, tôi thấy vẫn trang nghiêm. Đúng là vẫn cần nghiên cứu để hoàn thiện dần. Muốn thay đổi thì phải vào kỳ sau.
Trao đổi về việc một số người ứng cử đưa lên mạng xã hội, ông Phúc cho rằng đó là quyền cá nhân người ta. Vì đang trong quá trình hiệp thương chưa chốt vào danh sách nên họ có quyền đưa thông tin lên mạng. Còn khi nào hiệp thương vòng 3 xong, đã chốt danh sách thì không ai được đưa, tuân thủ theo đúng quy trình vận động bầu cử để diễn ra bình đẳng.
Ông Phúc cũng cho biết theo luật ĐBQH có quyền ứng cử, đề cử đối với việc bầu chức danh lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, tuy nhiên trong kỳ họp này không có ai ứng cử hay đề cử cả.
Việt Thắng