Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao (huyện Krông Bông- Đắk Lắk) là các xã có số lượng đàn trâu, bò tương đối nhiều, tập trung ở thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân cắt cỏ về cho trâu, bò.
Những năm trước đây, các địa phương này có trên 10 ngàn con trâu, bò, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá trâu, bò xuống thấp, diện tích các đồng cỏ bị thu hẹp nên số lượng đàn gia súc ở các thôn, buôn của các địa phương này đã giảm xuống rõ rệt.
Buôn Chàm B (xã Cư Đrăm) có 104 hộ đồng bào dân tộc Ê Đê. Trước đây hầu như nhà nào trong buôn cũng nuôi nuôi bò. Đàn bò của bà con lên đến hơn 400 con. Do hiếm cỏ nên hiện nay cả buôn chỉ còn hơn 100 con. Hay như gia đình bà Amí Len trước đây luôn duy trì đàn bò hơn 10 con. Hàng năm có thu nhập hàng chục triệu đồng từ bán bò. Gia đình bà đã làm được nhà kiên cố, mua được các vật dụng đát tiền. “Thế nhưng giờ đây những bãi cỏ đã được các gia đình đã làm rẫy, trồng cây hết rồi,họ phun thuốc diệt cỏ nên không dám cho bò ăn. Thiếu thức ăn nên hiện nay gia đình chỉ còn nuôi có 3 con bò thôi”, bà Amí Len chia sẻ.
Xã Cư Pui trước đây có số lượng đàn trâu, bò rất lớn với 850 con trâu và hơn 4 ngàn con bò. Trong đó nhiều nhất là ở các thôn, buôn đồng bào Mông và M’nông. Đa số các gia đình trong thôn đều chăn nuôi trâu hoặc bò. Tổng số trâu, bò trong thôn khoảng gần 700 con. Hai năm gần đây do diện tích đồng cỏ thu hẹp, lợi nhuận từ chăn nuôi giảm do giá cả xuống thấp nên số lượng trâu, bò giảm khoảng 2/3. Để duy trì chăn nuôi, nhiều gia đình phải trồng cỏ. Vào mùa khô, cỏ trồng không đủ cho trâu, bò ăn, phải đi xa hàng chục km cắt thêm cỏ.
Hay ở thôn Cư Rang, trước đây cũng có đàn trâu, bò rất lớn với khoảng 630 con. Nhiều gia đình coi đó là nguồn thu nhập chính. Đến nay do thiếu nguồn thức ăn nên người dân đã bán đi rất nhiều. Ông Dương Văn Thà, trưởng thôn Cư Rang cho biết: “Hiện nay đàn trâu, bò trong thôn đã giảm xuống còn khoảng vài trăm con. Những hộ còn duy trì chăn nuôi trâu, bò đều phải trồng cỏ và thực hiện việc nuôi nhốt vì trong thôn không còn nơi nào có bãi cỏ để chăn dắt nữa”.
Xã Yang Mao hiện còn 259 con trâu, 1.678 con bò, giảm gần 1.000 con so với năm 2015. Nguyên nhân giảm cũng do khan hiếm nguồn thức ăn và giá trâu, bò xuống thấp. Ngoài ra, cơn bão số 12 năm 2017 đã làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần nên bà con phải bán trâu, bán bò để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Thực tế, trong những năm qua, việc nuôi trâu, nuôi bò đã đem lại nguồn thu nhập quan trọng, giúp cho nhiều hộ dân ở các xã này thoát nghèo. Tuy nhiên, việc người dân chăn nuôi chủ yếu dựa vào thói quen chăn giữ ở những bãi cỏ tự nhiên, chưa đầu tư trồng cỏ nên không chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò dẫn đến số lượng trâu, bò trong các thôn, buôn giảm nhiều. Việc giảm đàn trâu, bò đồng nghĩa với người dân hàng năm mất đi một phần thu nhập đáng kể, khiến cho công tác giảm nghèo ở các địa phương này càng thêm khó khăn.
Để duy trì đàn trâu, bò giúp người dân phát triển kinh tế, ngoài sự hỗ trợ vốn, giống từ các dự án thì các địa phương ở đây cần phải quy hoạch các vùng chăn thả; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để bà con tích cực trồng cỏ sạch, làm chuồng chắc chắn, phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò.