Theo PGS TS Hồ Thị Hiền, Trường Đại học Y tế cộng đồng, dù hiện nay xã hội đã cởi mở hơn với Người chuyển giới (NCG), tuy nhiên NCG vẫn gặp không ít khó khăn về tiếp cận giáo dục, đặc biệt là trong tiếp cận các dịch vụ y tế.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Ngày 29/11 tại Hà Nội, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo: Tham vấn ý kiến cộng đồng về quyền của NCG.
Để có những cái nhìn đa chiều về những khó khăn mà NCG gặp phải trong đời sống, tháng 6/2018 trường Đại học Y tế cộng đồng Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, thu thập khảo sát tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nghệ An.
Chia sẻ về kết quả thu thập ý kiến cộng đồng về Quyền học tập, Việc làm, Khám chữa bệnh, Kỳ thị phân biệt đối xử với NCG PGS Hồ Thị Hiền cho biết, các dịch vụ y tế, giáo dục và xã hội… cho NCG hầu như không có. Người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở "chợ đen". Một số rất ít có điều kiện ra nước ngoài hoặc tìm đến cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện chuyển đổi giới tính. Đáng chú ý nhiều người sau khi đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính cũng gặp khó khăn khi đi khám bệnh bằng BHYT.
Theo thống kê, tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương.
Xuất phát từ thực tế trên nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Y tế cần trình Chính phủ phê duyệt đề án Luật chuyển đổi giới tính để trình Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng luật năm 2019. Đồng thời cần phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề người chuyển giới. Từ đó giảm kỳ thị, đảm bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ xã hội, giáo dục, y tế cho NCG.