Thiếu giáo viên là một trong những khó khăn mà nhiều địa phương phải đối mặt khi năm học mới 2023-2024 bắt đầu, đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa.
Cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên
Theo báo cáo tình hình chuẩn bị và triển khai năm học mới của Bộ GDĐT, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ GDĐT. Như vậy, so với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên.
Không chỉ thiếu giáo viên, số giáo viên nghỉ hưu và nghỉ việc tăng cao trong năm học 2022-2023, trong đó có 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc, tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển.
Thiếu giáo viên là một trong những khó khăn mà nhiều địa phương phải đối mặt khi năm học mới 2023-2024 bắt đầu, đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đang thiếu 1.027 người, trong đó giáo viên thiếu 606 người, còn lại là nhân viên. Cấp giáo dục mầm non đang thiếu giáo viên nhiều nhất là 213 người, tiếp đến là cấp tiểu học, THPT.
Để có giáo viên đứng lớp, thời gian qua, một số địa phương của tỉnh Đắk Nông đã thực hiện việc dạy kê, dạy thay. Tuy nhiên, việc làm này phát sinh nhiều kinh phí để chi trả giờ dạy kê, dạy thay cho giáo viên, trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp thẩm quyền giao rất hạn hẹp.
Trước khó khăn trên, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT xin giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh; đồng thời đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 đối với tỉnh hoặc có cơ chế đặc thù đối với những tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, có địa hình đồi núi phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tương tự, đây cũng là khó khăn mà tỉnh Đắk Lắk phải đối mặt trong nhiều năm qua. Tại cuộc họp đánh giá công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh đã nêu khó khăn của ngành giáo dục khi thiếu giáo viên các cấp và mong muốn UBND tỉnh bố trí đủ định mức biên chế theo quy định.
Tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, trước thềm năm học 2023 – 2024, huyện còn thiếu giáo viên Tiếng Anh cấp Tiểu học và một giáo viên Tiếng Anh cấp THCS.
Nhận định việc thiếu giáo viên Tiếng Anh là “bài toán” chung của ngành Giáo dục, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GDĐT huyện Văn Quan cho biết, Phòng Giáo dục đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện Văn Quan thực hiện tuyển dụng viên chức giáo viên đối với các bộ môn còn thiếu để kịp thời cho các trường có giáo viên đứng lớp trước thềm năm học mới.
Ngoài ra, Phòng GDĐT huyện đã có kế hoạch bố trí giáo viên dạy liên trường ở các bộ môn còn thiếu, bố trí giáo viên dạy liên trường đối với các trường, các xã gần nhau để giảm khoảng cách di chuyển, giúp thầy cô đỡ vất vả.
Phòng cũng chỉ đạo hiệu trưởng các trường có giáo viên đi liên trường và có giáo viên đến liên trường trao đổi thống nhất trong phân công lên lớp, đảm bảo hợp lý, tránh quá tải hoặc khó khăn cho giáo viên lên lớp. Phòng GDĐT huyện Văn Quan quyết tâm không để xảy ra tình trạng học sinh không có giáo viên lên lớp trong năm học 2023 – 2024.
Thực hiện hợp đồng giáo viên trong trường hợp chưa tuyển đủ
Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 – 2024 của Bộ GDĐT, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).
Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Bên cạnh đó, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Bộ cũng nhìn nhận, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển; thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.
Mặt khác, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GDĐT cho biết, Bộ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026.
Đồng thời, các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT sẽ thực hiện hợp đồng giáo viên theo quy định trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.