Ghi nhận thực tế cho thấy, TPHCM và Hà Nội đang thiếu một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Không chỉ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng mà tại Viện Pasteur TPHCM các vaccine dịch vụ cũng hết.
Gián đoạn nguồn cung vaccine
Đại diện Sở Y tế TPHCM thông tin về tình trạng địa phương này đang thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Cụ thể, vaccine sởi và bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) đã ngừng cấp từ tháng 5 nên hiện nay TPHCM không còn hai loại vaccine này. Các loại vaccine sởi - rubella (MR) đã hết từ ngày 6/10; vaccine viêm não Nhật Bản (VNNB) và bại liệt uống (bOPV) hết từ cuối tháng 10; vaccine lao và DPT-VGB-Hib (SII) dự kiến sẽ hết từ giữa tháng 12/2022.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ Phạm Huy Hoàng - Trưởng trạm y tế phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức (TPHCM) khẳng định: Trạm Y tế phường đang thiếu trầm trọng nhiều loại vaccine cho trẻ.
Theo ông Hoàng, trạm y tế chỉ còn lại 2 loại vaccine tiêm chủng mở rộng, còn lại đang thiếu một số loại vaccine khác như: Lao, sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà, bạch hầu. Do thiếu hụt nguồn cung vaccine tiêm chủng mở rộng nên khi phụ huynh đưa trẻ đến trạm y tế sẽ được hướng dẫn đến Trung tâm y tế dự phòng thành phố Thủ Đức hoặc Trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm dịch vụ.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, trong cuộc họp mới đây, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, thành phố đã gửi đề xuất với Bộ Y tế để được cung ứng nguồn vaccine đang thiếu hụt. Tuy nhiên thời điểm nào có vaccine tiêm chủng mở rộng trở lại thì chưa rõ.
Trao đổi việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC cho biết, năm 2022, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của TPHCM chỉ mới đạt 76,6%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 95%. Nếu tình trạng gián đoạn nguồn cung vaccine tiếp diễn thì nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh như: Sởi, ho gà, bạch hầu.
Bà Nga lo lắng, theo chu kỳ thì 4 năm dịch sởi sẽ bùng phát 1 lần. Dịch sởi mới đây nhất là cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Dự báo, dịch sởi có nguy cơ bùng phát vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.
Mong muốn có lại nguồn cung vaccine tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế TPHCM vừa có tờ trình gởi UBND TPHCM về việc cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng. Sở Y tế kiến nghị UBND thành phố có ý kiến với Bộ Y tế để sớm cung cấp vaccine cho thành phố. 6 loại vaccine gồm: Viêm não Nhật Bản, lao, sởi, sởi - rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) và DPT-VGB-Hib (SII vaccine phối hợp 5 trong 1). Trong đó, vaccine sởi và DPT đã ngừng cấp từ tháng 5/2022. Trước đó, ngày 29/6, Sở Y tế TPHCM đã 2 lần gửi công văn báo cáo tình hình vaccine sở và DPT trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đến Bộ Y tế. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa nhận được 2 loại vaccine này.
Không phải người nào cũng có điều kiện tiêm dịch vụ
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chỉ tiêu tiêm chủng các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều chưa đạt theo tiến độ năm 2022, trừ chỉ tiêu tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ có thai. “Một phần nguyên nhân do tình trạng thiếu vaccine trong tiêm chủng mở rộng nên công tác tiêm chủng còn gặp nhiều khó khăn” - Đại diện CDC Hà Nội cho biết.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông tin: “Khoảng 4 tháng nay chúng tôi thiếu một vài loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là một khó khăn rất lớn cho cả nhân viên y tế và người dân và cũng là một nguy cơ rất lớn có thể gây ra lỗ hổng miễn dịch cho cộng đồng”.
Bà Trang chia sẻ: “Đối với một bộ phận người dân có điều kiện, chúng tôi có thể tư vấn để đưa trẻ tới tiêm chủng tại những cơ sở tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, cần đối mặt với một thực tế là chúng ta còn một bộ phận không nhỏ người dân không có điều kiện để tiêm những loại vaccine thu phí. Trong khi đó, có những loại vaccine yêu cầu đúng lứa tuổi, thời hạn thì mới phát huy tác dụng. Đơn cử, hiện nay đang thiếu vaccine sởi - loại vaccine này phát huy tác dụng vào khoảng trẻ ở độ tuổi từ 9-12 tháng, nếu quá lứa tuổi đó thì vaccine không còn tác dụng. Bởi vậy, nếu tình trạng thiếu vaccine như hiện nay vẫn còn tiếp diễn thì nguy cơ xuất hiện lỗ hổng miễn dịch là rất lớn.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) lại chia sẻ một thực trạng khác: Hiện nay rất nhiều người dân đang lựa chọn việc tiêm chủng tại các cơ sở dịch vụ, tuy nhiên, việc thống kê về số mũi tiêm, tỷ lệ bao phủ giữa trung tâm y tế và các trung tâm y tế hiện nay không được thông suốt. Do đó gây khó khăn rất lớn cho chúng tôi khi nắm bắt tình hình tiêm chủng tại địa phương”
Về phía người dân, rõ ràng trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay, việc đưa con đi tiêm phòng là điều mà rất nhiều người có thể nhận thức rõ ràng, mặc dù vậy, không ít trường hợp đã phải quay về khi cơ sở y tế không còn vaccine.
Chị Đặng Thị Tâm (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Ít nhất là 2 lần chúng tôi đưa con nhỏ đi tới trung tâm y tế địa phương để tiêm phòng, nhưng được nhân viên y tế thông tin là do không có vaccine nên đành tìm cơ sở dịch vụ để tiêm chủng cho con. Có lần, gia đình đưa con đi tiêm vaccine 6 trong 1, nhưng chỉ còn loại 5 trong 1 nên lại phải tìm cơ sở khác để tiêm.
Thông tin từ Bộ Y tế, tình trạng thiếu vaccine sởi và DPT bắt đầu từ tháng 8. Đây là 2 vaccine trong nước, cung ứng theo cách đặt hàng để sản xuất. Cụ thể, vacicne sởi do Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất; vaccine DPT do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) phụ trách. Tuy nhiên, do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành nên chưa thể thực hiện việc chuyển giao vaccine.
Mặt khác, theo thông tin từ đơn vị cung cấp, để sản xuất vaccine cần có một khoảng thời gian để chuẩn bị, nhưng đến tháng 9 vừa qua, nhà sản xuất mới chính thức nhận được quyết định đặt hàng từ Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương – đơn vị chịu trách nhiệm Chương trình Tiêm chủng quốc gia.
Nghĩa Toàn