Ngày 1/12, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa - thực trạng và giải pháp”. Tại chương trình, hầu hết sở ngành liên quan và ban quản lý các di tích lịch sử đều khẳng định, đa phần di tích xuống cấp trầm trọng nhưng thiếu vốn nên không thể trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ông Phạm Thanh Lâm - Trưởng ban Quản lý đình Chí Hòa cho biết, mặc dù là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng đình Chí Hòa xuống cấp trầm trọng. Điều này đang làm giảm giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, vì không có kinh phí trùng tu đúng với mẫu thiết kế cũ, vì vậy cột gỗ bị bê tông hóa. Đó là chưa kể tình trạng, đình Chí Hòa bị người dân lấn chiếm nhưng vẫn được cấp sổ đỏ. Nói chung việc bảo vệ và phát triển di tích vô vàn khó khăn.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP HCM cũng cho hay: “Bảo tàng được gần 100 năm tuổi nhưng mức độ đầu tư trong thời gian qua chưa đáp ứng được. Tôi nhận thấy, các di sản văn hóa chưa có sự đầu tư dài hơi và bài bản. Bảo tàng TP HCM xuống cập nhiều nhưng đầu tư thì manh mún và chưa đồng bộ. Nếu phát triển đô thị thông minh cũng cần có sự đầu tư thỏa đáng, đổi mới, nâng cấp trang thiết bị trong hệ thống di sản văn hóa để di sản văn hóa phục vụ cho tốt hơn nữa”.
Trưởng ban Quản lý Hội quán Nghĩa An cũng thông tin, kể từ năm 2009 Hội quán xuống cấp trầm trọng có nguy cơ sụp đổ. Ban Quản lý tính toán nguồn kinh phí trùng tu lại, ước phải mất gần 80 tỷ đồng. Để có thể tôn tạo Hội quán, Ban Quản lý thực hiện xã hội hóa từ các thành viên, chủ doanh nghiệp, dân cư, Mạnh thường quân, hương dầu,… Tuy nhiên sự vận động gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ với những khó khăn về nguồn kinh phí để bảo tồn và phát huy di sản, ông Nguyễn Văn Đạt - Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM cho biết, thành phố có giao các quận - huyện rà soát và kiểm kê di tích lịch sử. Thành phố còn hỗ trợ ngân sách để trùng tu, bảo tồn di sản. Thế nhưng qua giám sát thấy rõ, các sở ngành còn khó khăn, hạn chế, bất cập trong công tác bảo tồn. Không ít di tích xuống cấp nặng nhưng nguồn vốn trùng tu chưa đạt. Thủ tục trùng tu rườm rà nên vốn sửa chữa ngày càng tăng cao. Hệ thống pháp luật về bảo tồn di sản chưa đồng bộ, cơ sở pháp lý cải tạo và phục hồi chưa rõ. Bên cạnh đó, thành phố đang đối mặt với quá trình đô thị hóa nên bảo tồn gặp áp lực về đô thị hóa, tăng dân số,… nên di tích bị lấn chiếm.
Còn ông Lê Tôn Thanh- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP HCM cho rằng, những năm gần đây có nhiều văn bản luật liên quan đến hoạt động di sản văn hóa nhưng cần thêm sự điều chỉnh vì chưa có văn bản đủ mạnh huy động nguồn lực xã hội. Nếu cứ dựa vào nguồn vốn ngân sách thì mỗi năm chỉ có 3 - 5 di sản được tiến hành trùng tu. Như vậy đến khi nào hơn 100 di tích mới được trùng tu, tôn tạo chưa kể có nhiều điểm khác cần bảo tồn?
Theo UBND TP HCM, từ năm 2009 đến nay, UBND TP đã bố trí kinh phí hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 32 di tích với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Nguồn vận động xã hội hóa trong tu bổ di tích từ năm 2009 đến nay đạt khoảng 400 tỷ đồng với hơn 20 di tích được đầu tư tu bổ. Trong đó, chủ yếu là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù đạt được một số kết quả trong việc bảo tồn di tích, song UBND
TP HCM cho rằng vẫn còn nhiều bất cập nên công tác này chưa được hoàn thiện.
Nói về khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa trên địa bàn TP HCM, ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao khẳng định, di tích đang bị xâm lấn, việc quản lý di tích còn mỏng. Bảo tàng hầu như dựa trên dinh thự cũ nên cấu trúc không phù hợp, thiếu kho lưu trữ, công nghệ mới... Sở Văn hóa - Thể thao sẽ ghi nhận những phản ánh về khó khăn mà các Ban Quản lý di tích, bảo tàng nêu, nhằm kiến nghị với Bộ VHTTDL, mong muốn, sớm có chính sách thông thoáng để kêu gọi sự đóng góp từ xã hội, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư xã hội hóa cho bảo tồn và phát triển di sản văn hóa còn thấp.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho hay, năm 2013, thành phố có quyết định bảo tồn di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, kết quả triển khai còn khiêm tốn. Do chưa được quan tâm đúng mức nên một số công trình di sản bị xuống cấp, lấn chiếm, tranh chấp, thậm chí nhiều công trình biến mất. Kiểm tra thực tế cho thấy, có 560/1.400 biệt thự biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng, thay vào đó là nhà phố.