Thơ Nguyễn Thị Hồng dung dị mà sâu lắng

Phạm Sỹ 31/01/2023 18:48

Sáng ngày 31/1, trong tiết Xuân ấm áp, tại không gian Hồ Văn thuộc khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt sách “Nguyễn Thị Hồng Thơ Tuyển”.

Xuất hiện trên văn đàn vào những năm 80 của thế kỷ 20, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã gây ấn tượng về những vẻ đẹp bình dị, thầm lặng. Những vần thơ của chị lặng lẽ tỏa sáng với sự chân thành nhưng chất chứa đầy sự nồng nàn, kiêu hãnh khi nói về tình yêu con người trong một thế giới nhiều đổ vỡ, thất vọng nhưng luôn hướng tới những vẻ đẹp cao cả và hoàn thiện.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh nói về những vần thơ của chị.

Khi nói về thơ của Nguyễn Thị Hồng, nhiều nhà thơ và nhà phê bình văn học cho rằng, thơ của chị như một điển hình của thơ hướng nội. Chị đã đánh dấu tâm hồn mình không gian những vần thơ của chính mình. Đọc thơ của chị, bạn đọc nhanh chóng nhận ra ở thơ chị một phẩm chất thơ trữ tình sâu lắng, thấm thía mà đó chính là chất liệu đang thiếu trong nền thơ của chúng ta trước đó.

Nữ nhà thơ đã có những tác phẩm thơ được xuất bản như: Em ra đi; Gọi thu; Những bông hoa thiên sứ; Cuộc bàn giao vĩnh cửu - hồn khèn… cái thơ của chị dung dị mà say đắm. Hai hướng đề tài mà nhà thơ tập trung khai thác là chất nữ tính của chính hồn mình và cái hồn văn hóa các dân tộc quần tụ. Như trong bài “Bình dị” với những câu thơ chân thực “Em nguyên sơ như đất/ Em nguyên sơ như cây/ Em nguyên sơ như nắng/ Như gió cao nguyên này”

Buổi ra mắt tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và những nhà thơ, nhà phê bình văn học có tên tuổi.

Theo dõi nhà thơ Nguyễn Thị Hồng từ những tác phẩm đầu tiên, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: “Lần đầu tiên khi đọc bài “Lời tượng nhà mồ” của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, tôi đã nhận ra sự xuất hiện của một nhà thơ trẻ và tôi theo dõi những tác phẩm của chị từ đó. Tôi rất mừng khi chị Hồng đã có những bước vững chắc vào nền thơ của chúng ta. Càng ngày càng tự tin và nhiều sáng tạo hơn. Cho đến hôm nay, chị xuất bản quyển tập thơ rất đầy đặn, đáng đọc và có giá trị”.

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng là một người nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Chị làm thơ rất kỹ, chất lượng các bài thơ đều nhau. Tập thơ của chị đều là những bài có “nhan sắc”, bài nào cũng để lại những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp. Đặc biệt chị rất quan tâm đến tính hàm súc ngay từ những bài thơ đầu cho đến những trường ca rất dài về sau này, luôn có ý thức dừng lại lúc cần thiết để mở ra một không gian mênh mông cho liên tưởng của bạn đọc. Chính vì vậy thơ của chị là thứ thơ đa tài, gợi cảm và có dư vang. Chị viết về tháng giêng nhưng không giống ai. Đó sự dùng dằng giữa mùa đông và mùa xuân, phút giao thoa của thời tiết được chị nói đến rất hay trong bài “Tháng Giêng”: …Nửa còn vương vấn rét đài/ Nửa rây nắng để má ai dậy hồng/ Nửa dùng dằng với mùa đông/ Rét như rét của nỗi lòng chia xa...

Thơ của Nguyễn Thị Hồng nhận được sự quan tâm đặc biệt của những độc giả và bạn bè trong giới văn chương.

Đọc thơ không phải chỉ dừng lại ở thơ mà đọc thơ đi ngược với thơ để tìm hiểu, khám phá tâm hồn của nhà thơ. Đọc thơ của Nguyễn Thị Hồng chúng ta có thể thấy được con người, chân dung, tinh thần và một tâm hồn rất thật. Một con người đa cảm, hài hòa và giàu lòng thương cảm. Thơ của chị thấm thía, sâu sắc, biến hóa một cách tài tình và đầy tính sáng tạo.

Còn theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, biểu tượng và vẻ đẹp của ánh trăng bao trùm cả tập thơ. Cho dù có những bài thơ không nói cụ thể ánh trăng nhưng khi đọc vẫn thấy trăng ngời ngợi. Những ánh trăng đó vẫn theo suốt con đường. Ở đâu trong thơ chị cũng có thể bắt gặp ánh trăng đó, đó là sự tinh khiết tâm hồn, khát vọng sống đẹp đẽ và cả sự nổi giận của lương tâm trước những bất công, những điều không phải trong đời sống xã hội này.

“Tôi lần mò tìm bài thơ đầu tiên mà chị viết in trong tập thơ này, đó là bài thơ ‘Rừng chiều’, tôi đã đọc rất kỹ bài thơ và tôi đã gặp bản tuyên ngôn về thi ca cũng như bản tuyên ngôn về mỹ học của cái đẹp trong bài thơ ở hai câu ‘Mây bay về núi xa/ Trăng bay về lòng ta’, những câu thơ thật giản dị nhưng đã chồng chất các tầng lớp. Tôi nghĩ rằng mây bay về núi xa là ý chỉ thời gian trôi đi còn Trăng bay về lòng ta là cái còn lại vĩnh hằng của vẻ đẹp, thơ ca”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phân tích.

Có thể thấy, mặc dù không nổi bật trong trong giới văn đàn nhưng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã cho ra đời những tác phẩm mà mỗi vần thơ của chị đã khắc sâu vào tâm trí người đọc và để lại ấn tượng sâu sắc. Những vần thơ dung dị, sâu lắng, không ồn ào nhưng đặc biệt!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thơ Nguyễn Thị Hồng dung dị mà sâu lắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO