Thờ ơ trong giải quyết vụ án tham nhũng cũng là tiêu cực

H.Vũ 07/07/2021 06:30

Ngày 6/7, Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực-Vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Nhờ “bồ nhí” cất giấu tài sản tham nhũng

Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, khi Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo có chủ trương nghiên cứu bổ sung chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo để chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng và tiêu cực thì vấn đề này đã nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, theo ông Học, cần nhận diện rõ tình hình tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Mối quan hệ giữa tiêu cực với tham nhũng, giữa phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực.

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, tham nhũng tùy theo mức độ, quy mô sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân, làm bại hoại quốc gia. Nó dẫn đến suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống. Nhiều người đã biến bồ nhí thành nơi giữ, giấu tài sản tham nhũng. Các hành vi vi phạm thì bị pháp luật xử lý còn suy bại về đạo đức là không còn chỗ nương thân. Do đó phải gắn chống tham nhũng với tiêu cực và thất thoát, lãng phí”-ông Nhị Lê nói. Từ quan điểm đó, ông Nhị Lê cũng cho rằng, bên cạnh tham nhũng cần chống lãng phí, bởi lãng phí đang là “lô cốt” cho tham nhũng, dựa vào.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, trong tham nhũng thì lợi ích nhóm là vấn đề lớn cần quan tâm. Do đó cần quy định các hành vi lợi ích nhóm để nhận diện. “Đơn cử như trong 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra nhưng có cái... không nhận diện nổi. Ví dụ như biểu hiện lười học Nghị quyết. Vậy đo, đếm thế nào là lười? Ngay trong tham nhũng mới đề cập đến tham nhũng kinh tế nhưng các địa phương đều nói có tham nhũng chính sách, nhất là trong ban hành chính sách về đất đai. Cho nên phải bổ sung những nội hàm, hành vi của tham nhũng”-ông Thông nhìn nhận.

“Việc đưa phòng chống tiêu cực gắn với phòng chống tham nhũng là vấn đề có sự đột phá để gắn chặt giữa phòng và chống, nhằm bài trừ tham nhũng-tiêu cực. Biểu hiện của tham nhũng đều liên quan đến các vấn đề tiêu cực. Bác Hồ coi đó là giặc nội xâm, mà đã là giặc thì phải có lực lượng để kiên quyết phòng chống”- PGS.TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Từ tham nhũng sẽ dẫn đến “chạy tội”

Đưa ra ví dụ cán bộ đang trong quá trình xác minh giải quyết vụ án nhưng có thái độ kéo dài, thờ ơ, theo ông Lê Hữu Thể, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “đó chính là tiêu cực”. Ông Thể cho rằng, trong tham nhũng vẫn lo ngại nhất là tham nhũng chính sách. Tiêu cực cũng giống tham nhũng và tiếp tục tồn tại, cho nên làm sao nhận diện để ngăn chặn, hạn chế các tiêu cực đó từ cấp cơ sở như thôn, xóm cho đến cấp Trung ương, ông Thể nói thêm.

PGS.TS, Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng từ “tham nhũng” sẽ dẫn đến “chạy tội”. Thực tế các quy định của Đảng, pháp luật nhà nước đã có các quy định cụ thể song thực hiện chưa đầy đủ nên tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra. “Chúng ta vừa Đại hội XIII, quy trình nhân sự rất chặt chẽ với 5 bước nhưng tại hội nghị Trung ương 3 đang diễn ra chúng ta sẽ xem xét kỷ luật 1 trường hợp. Do đó sắp tới cần phải quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chứ không nên tập trung vào cán bộ đảng viên thường. Bởi rộng quá sẽ không làm nổi”-ông Phúc cho hay.

Cùng chung quan điểm, ở góc độ cơ sở, ông Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư tỉnh ủy Nam Định cũng cho rằng để chống tham nhũng, tiêu cực cần quan tâm tới vấn đề “gốc” là công tác cán bộ, nhất là lựa chọn người đứng đầu.

Nhấn mạnh việc vừa Đại hội XIII nhưng đến hội nghị Trung ương 3, Trung ương phải xem xét kỷ luật cán bộ, theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương đây là việc đáng tiếc. Do đó, theo ông Hùng trong công tác cán bộ cần xem xét lựa chọn người đứng đầu các cấp, nhất là Bí thư cấp quận, huyện trở lên.

Kết luận hội thảo, GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, Bộ Chính trị đã chủ trương rất cao phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực. Đây là vấn đề đúng cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu trong đấu tranh chỉnh đốn Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thờ ơ trong giải quyết vụ án tham nhũng cũng là tiêu cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO