Sau một thời gian lo lắng vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu (chủ yếu là cát sông) thì hiện nay, nhiều dự án hạ tầng như đường cao tốc, vành đai... ở khu vực phía Nam đã “thở phào” vì tìm được vật liệu.
6 tháng đầu năm 2023, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng (gồm đường cao tốc, đường vành đai, đường tỉnh…) ở khu vực phía Nam được khởi công. Điển hình như đường Vành đai 3 TPHCM (đi qua 4 địa bàn TPHCM, Long An, Bình Dường, Đồng Nai) hay cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu… khiến nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng bị khan hiếm, giá đã tăng khá nhiều.
Thời gian qua, việc tìm nguồn nguyên liệu hết sức nan giải khi một số ý kiến cho rằng phải sử dụng cát biển (dùng khâu đắp nền) hay xây cầu cạn để giảm nguồn nguyên liệu… Tuy nhiên ở thời điểm này, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã tìm được nguồn cung, đảm bảo tiến độ dự án cũng như giá vật liệu không quá cao.
Cụ thể, tại tỉnh Long An nơi có dự án đường Vành đai 3 TPHCM đi qua nhu cầu vật liệu xây dựng rất cần thiết sau khi đã khởi công dự án (tháng 6/2023) vừa qua. Ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Long An cho biết, hiện địa phương không có mỏ cát xây dựng nên phải đi mua từ các tỉnh khác. Vừa qua, tỉnh Long An đã tìm được 2 mỏ cát trên sông Cổ Chiên (thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long) với trữ lượng 700.000m3. “Ngoài dự án đường Vành đai 3 TPHCM, tỉnh Long An đang thực hiện dự án đường tỉnh 823D, 830E đều kết nối với TPHCM nên nhu cầu cát vật liệu là khoảng 1,4 triệu m3. Ngoài ra tỉnh cũng phải mua đất đắp từ Đồng Nai và Bình Dương do đất trong tỉnh không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Về cơ bản thì tiến độ và vật liệu xây dựng trong năm 2023 của các dự án trên đều đảm bảo nhưng sau đó chưa biết bởi còn phải phụ thuộc vào các tỉnh khác” - ông Tuấn nói.
Tương tự, nguồn cát xây dựng của một số công trình quan trọng (đặc biệt là Vành đai 3 TPHCM) trên địa bàn TPHCM cũng cơ bản được hoàn tất. Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, hiện nhu cầu nguyên liệu của đường Vành đai 3 TPHCM đã cơ bản hoàn tất. Cụ thể, theo ông Phúc, dự án cần có 4 nhóm nguyên vật liệu là đất đắp nền 1,6 triệu m3; cát đắp nền 7,3 triệu m3; cát xây dựng 1,5 triệu m3 và đá xây dựng 4,4 triệu m3. Trong đó cát đắp nền có số lượng lớn nhất và quan trọng nhất được TPHCM mua từ tỉnh Bến Tre và khu vực hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh). Được biết, việc tìm được các nguồn nguyên liệu cho đường Vành đai 3 TPHCM là rất quan trọng bởi đây là dự án lớn, vai trò đặc biệt ở khu vực phía Nam.
Cũng từng mang tới nhiều lo lắng và ảnh hưởng chậm tiến độ, dự án xây dựng đường cao tốc Cần Thơ đi Cà Mau (dài 110km) cũng bị thiếu nguồn vật liệu nghiêm trọng. Đây là một trong những dự án quan trọng nhất phía Nam, là đoạn cuối của trục cao tốc Bắc - Nam được khởi công đầu năm 2023. Do cần hơn 18 triệu m3 cát nên dự án gặp khó vì nhiều địa phương không cung ứng kịp (khai thác mở cát đang có, cấp phép khai thác mỏ hết hạn, tìm mỏ mới…) nguồn cát. Càng bất ngờ hơn khi dự án hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng nhưng lại thiếu vật liệu để thi công.
Tương tự là tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188km khởi công tháng 6/2023 cũng gặp khó vì nguồn cung vật liệu. Điều đáng nói, tuyến cao tốc trên đi qua nhiều tỉnh là mỏ vật liệu cát (An Giang, Sóc Trăng) nhưng vẫn khan hiếm nguyên liệu bởi vấn đề giấy phép, thủ tục. Vì vậy, cách đây ít ngày, tỉnh Đồng Tháp đã cấp phép khai thác 4 mỏ cát với tổng trữ lượng 3,2 triệu m3 và 2 mỏ chuẩn bị đưa vào khai thác có trữ lượng 3,8 triệu m3 để hoàn thành mục tiêu cung cấp 7 triệu m3 cát cho các dự án hạ tầng. Trong đó lượng cát này chủ yếu dùng để xây dựng các tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Có thể nói, sau một thời gian gặp khó vì đồng loạt các dự án lớn được khởi công, hiện nay “nút thắt” nguồn vật liệu cát xây dựng ở khu vực phía Nam đang dần dần được giải toả. Hầu hết các dự án được đảm bảo nguồn vật liệu cho tới hết năm 2023. Những dự án này cũng sẽ cần nguồn vật liệu cát tới hết năm 2024, trước khi tiến hành các gói thầu xây dựng khác với nguồn vật liệu khác (chủ yếu là đá, xi-măng).
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa thông tin về tiến độ triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL ".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Công tác tổ chức thi công thử nghiệm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã được thực hiện với nguồn cát biển khai thác tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Đến nay, kết quả thí nghiệm, quan trắc, đánh giá được thực hiện qua 5 kỳ cho thấy, nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường của nước mặt, nước ngầm, các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu cho các dự án trong khu vực ĐBSCL.
T.X