Hiện nay, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh Kiên Giang có 35.233 hộ nghèo, chiếm 8,32% và 19.135 hộ cận nghèo, chiếm 4,52% tổng dân số toàn tỉnh.
Để giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp, vươn lên ổn định cuộc sống, trong những năm qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hàng chục công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trụ sở xã, chợ, cấp nước sinh hoạt…phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; xây cất hàng nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.
Đặc biệt, cùng với nguồn vốn Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách tại 15 xã đặc biệt khó khăn, với gần 20 nghìn hộ vay vốn.
Từ nguồn vốn vay này đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận có điều kiện phát triển sản xuất. Đa phần các hộ nghèo khi nhận được nguồn vốn đã chọn phương kế chăn nuôi để thoát nghèo.
Ngành chức năng cũng chú trọng công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo và nâng cao kiến thức, phương cách làm ăn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách để sử dụng vốn vay đúng mục đích, sinh lợi.
Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở địa phương; lồng ghép với các hoạt động của hội, đoàn thể và hoạt động tín dụng chính sách, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả.
Như gia đình bà Thị Đẹp, ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành trước đây thuộc diện nghèo khó khăn, thiếu vốn sản xuất, nhưng nhờ Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện bảo lãnh vay ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng xây chuồng nuôi 2 con lợn thịt, 1 con lợn nái và mua phân trồng lúa.
Sau 5 - 6 tháng, lợn thịt xuất chuồng bán và lợn nái sinh sản, gia đình vừa bán lợn con vừa để lại nuôi. Mỗi đợt như vậy, gia đình bà thu về hàng chục triệu đồng kết hợp với trồng 2 vụ lúa/năm xây được nhà ở khang trang, cuộc sống dần ổn định hơn.
Hay như gia đình bà Hường, ấp Tràm Trỗi, vay 30 triệu đồng nuôi bò vỗ béo và trồng lúa. Sau một thời gian, bò nuôi béo lên xuất bán lời hơn 20 triệu đồng, gia đình vừa trả được một phần vốn vay ngân hàng vừa tiếp tục mua 4 con bò nuôi vỗ béo, đây chính là nguồn vốn giúp gia đình thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Đời sống của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn đang được cải thiện đáng kể. Kinh tế ổn định nên người dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động do MTTQ các cấp phát động, nhất là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hiện 14/15 xã đặc biệt khó khăn có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 55% ấp có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 95%, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%; tỷ lệ xã có trường mẫu giáo theo quy định đạt 84,8%, trạm y tế đạt chuẩn 63%. Nhiều hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 có 61 xã, hai huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận được công nhận nông thôn mới; khuyến khích huyện Giồng Riềng và Kiên Lương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; hai địa phương vùng biên giới là huyện Giang Thành và thị xã Hà Tiên có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các xã và huyện Tân Hiệp đã đạt nông thôn mới tiếp tục nâng lên chất lượng, tính bền vững, phát huy hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.