Thủ công mỹ nghệ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Mặt hàng này được dự báo kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, trong thời 4.0, thủ công mỹ nghệ còn mang lại lợi nhuận nhiều hơn nếu từ nhà sản xuất, doanh nghiệp đến nhà quản lý tận dụng được lợi thế của công nghệ, cũng như thương mại điện tử. Tuy nhiên, làm gì để khắc phục những điểm yếu, đồng thời gỡ rào cản cho ngành còn rất nhiều dư địa phát triển này là những vấn đề cấp thiết đặt ra.
Tinh hoa đất nước, tâm hồn người Việt
Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022 tại Hà Nội vừa khép lại nhưng mở ra khá nhiều cơ hội, thúc đẩy phát triển sáng tạo cho công nghiệp văn hóa bởi Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tạo ấn tốt đẹp với những sản phẩm chất lượng. Ngắm nhìn giải đặc biệt thuộc về sản phẩm bàn ăn mây tre của tác giả Kha Văn Thương (Nghệ An).
5 sản phẩm đạt giải Nhất gồm: Chào mào hót (chạm bạc) của tác giả Quách Phan Tuấn Anh (Hà Nội); Sản phẩm cây lúa (điêu khắc gỗ) của tác giả Vũ Văn Hoan (Hưng Yên); Bộ bàn ghế lưu thủy (gốm sứ) của tác giả Hoàng Long (Hà Nội); Đôi chim sếu (chỉ vải) của tác giả Lê Văn Nguyên (Hà Nội) và sản phẩm Lọ hoa trang trí (tre nứa) của tác giả Hồ Mai Hương (Hà Nội)… Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan bày tỏ, chúng ta hãy nhìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa của đất nước, tâm hồn của người Việt, để thấy được sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tự tin đặt ngang hàng với sản phẩm của các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Đất nước Việt Nam có truyền thống lịch sử với hàng nghìn làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm thông qua bàn tay tinh tế của những nghệ nhân. Vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, khúc gỗ... nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm có hồn thì người tạo ra nó đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong đó.
"Chúng ta sẽ nói với thế giới rằng, người Việt có thể làm được tất cả sản phẩm mà các nước làm được, thậm chí còn làm tốt hơn, tinh tế hơn. Bởi lẽ, chúng ta tạo nên sản phẩm đó bằng giá trị Việt, tâm hồn Việt và con người Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Mới đây, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội được trưng bày giới thiệu tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022 (diễn ra từ ngày 11-18/11) cũng khiến du khách trong và ngoài nước ngạc nhiên bởi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo và đẹp mắt.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Chia sẻ về nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Thủ công mỹ nghệ có truyền thống lịch sử lâu đời gắn với rất nhiều tên tuổi các làng nghề, phố nghề trải rộng khắp cả nước. Từ hình thức là những công việc phụ trợ lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm thêm thu nhập, thủ công mỹ nghệ dần dần phát triển thành một nghề độc lập, một ngành kinh tế chính. Nghề này lúc đầu chỉ được truyền bá trong các gia đình cha truyền con nối, sau đó dần lan truyền ra cả làng hay nhiều làng, có sự phân hóa và chuyên môn hóa để hình thành nên những làng nghề chuyên sâu, như: làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, đồ chạm bạc, thêu ren…
Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8 - 9,8%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Riêng ngành thủ công mỹ nghệ đã tạo ra mặt hàng chủ lực của làng nghề, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động.
Có thể kể đến những làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, mộc La Xuyên, tre đan Bằng Sở, đúc đồng Đại Bái, đá mỹ nghệ Ninh Vân, chạm bạc Đồng Xâm… Ngoài việc phục vụ thị trường nội địa rộng lớn cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều năm qua hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, các sản phẩm của chúng ta đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi bên cạnh sự tinh tế, tài khéo của sản phẩm còn toát lên những nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa dân tộc. Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc...
Ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ sau Trung Quốc. Chúng ta đang có cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế của ngành hàng này trong bối cảnh các nhà nhập khẩu trên thế giới có xu hướng muốn tìm kiếm nguồn hàng từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Tiềm năng là vậy nhưng vấn đề đầu ra, thương hiệu, quảng bá sản phẩm chưa được bài bản là vấn đề chung của các làng nghề và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng. Bên cạnh đó nội tại ngành thủ công mỹ nghệ vẫn còn nhiều rào cản khiến ngành chưa có sức bật để tạo ra những thương hiệu cạnh tranh.
“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển. Như vậy, để thủ công mỹ nghệ trở thành “mũi nhọn” ngành công nghiệp văn hóa phải có những bước đi kiên quyết để tạo đột phá.
Điểm yếu ở đâu?
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng với con số thống kê có 8.500 sản phẩm nhưng còn gặp khó khăn trong vấn đề thương mại hóa, nâng cao giá trị. Bởi vậy, câu hỏi lớn nhất lúc này là làm thế nào để tiếp tục phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Làm thế nào để nghệ nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển thủ công mỹ nghệ nói chung cũng như sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chuẩn trong tương lai? Thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn chủ yếu ở trong nước, chiếm 80-90%. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Cho rằng, thủ công mỹ nghệ chưa được hưởng nhiều chính sách, nhất là những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển, GS.TS Từ Thị Loan nêu ra các hệ lụy, như: Khó tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước, chưa thu hút được nguồn lực của toàn xã hội, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành...
Đánh giá về khả năng cạnh tranh sản phẩm làng nghề cũng như sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho biết: Ưu thế của các nghệ nhân của chúng ta đó là tay nghề vô cùng tinh xảo. Nếu so với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nước, có thể nói, độ tinh xảo của sản phẩm Việt là khá tốt, nhưng điểm yếu lại là công năng sử dụng. Do không gần gũi thị trường, không hiểu nhu cầu của người khách đối với sản phẩm đó để làm gì.
“Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có hạn chế rất lớn đó là không gần gũi với thị trường, việc này cũng có thể coi là nhược điểm. Nguyên nhân do các nghệ nhân thường làm việc tại nhà và ít có điều kiện tiếp xúc với thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Ví dụ như sản phẩm gốm, trang trí rất đẹp nhưng hình dáng không thay đổi mấy.
Hay đối với một số sản phẩm mây tre đan đi vào các chi tiết quá cầu kỳ, không thể hiện được sản phẩm đó sẽ trưng bày ở đâu, dùng làm việc gì. Mục đích của các sản phẩm thêu mới chỉ để trưng bày, trang trí”, ông Thiều phân tích, đồng thời cho rằng, những việc này cần phải tính toán. Bởi chỉ để trưng bày không thì cần đạt mức độ nghệ thuật rất cao, còn nếu để trang trí thì cần thấy rõ trang trí vào không gian nào, phòng khách khác với phòng ăn. Có thể nói, các nghệ nhân của chúng ta đang gặp khó khăn và chưa hiểu rõ được khách hàng của mình. Do đó, các sản phẩm của chúng ta nhiều khi được làm rất cầu kỳ nhưng nhiều khi chưa đạt được hiệu quả về mặt kinh tế.
Mặt khác, đang có một nghịch lý, để các làng nghề duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững, thương mại điện tử được cho là một hướng đi cần thiết, trong khi đó ở chính các làng nghề, hoạt động thương mại điện tử còn chưa thực sự phát triển, giao dịch bán hàng trên internet còn nhiều hạn chế… Do đó câu chuyện cạnh tranh thời 4.0 của hàng ngàn làng nghề và làng có nghề trên cả nước cũng là vấn đề được đặt ra.
TS Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nêu thực trạng: Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng giảm sút trầm trọng. Chỉ có doanh thu từ mua sắm online qua các trang thương mại điện tử của một số doanh nghiệp là tăng từ 20 - 30%. Tuy nhiên, hiện nay, ở các cơ sở công nghiệp nông thôn, các hoạt động thương mại điện tử còn chưa thực sự phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet còn mới lạ với nhiều chủ cơ sở, điều này khiến cho hoạt động thương mại trong các cơ sở công nghiệp nông thôn còn nhiều hạn chế.
Chia sẻ khó khăn trong phát triển thương mại điện tử từ thực tế ở địa phương, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc đến từ làng nghề gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) cho hay, người làm nghề gốm ở Phù Lãng còn thiếu kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại. Các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những sản phẩm mà thị trường vốn đã có sẵn mà chưa tạo ra sự độc đáo của riêng mình. “Trong lĩnh vực thông tin thương mại hiện nay vừa thiếu vừa thừa. Thừa những thông tin chung chung nhưng thiếu những thông tin cụ thể phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhất là thông tin về xuất khẩu”, bà Ngọc cho hay.
Xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm
Bàn về những giải pháp mang tính đột phá cho thủ công mỹ nghệ, bà Thái Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Làng nghề cảnh báo, cần quan tâm tới vấn đề bảo hộ thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ. Theo bà Nhung, với khuyến cáo của các chuyên gia, sản phẩm có chất lượng tốt, thiết kế mẫu mã đẹp phù hợp thị hiếu, xu hướng tiêu dùng vẫn chưa đủ để định hình thương hiệu, mà cần phải có chiến lược quảng bá rộng rãi. Trong khi đây là khoản đầu tư khá lớn, vượt quá sức của doanh nghiệp ngành hàng thủ công mỹ nghệ nên rất khó để có hoạt động rộng rãi và bài bản.
Theo tính toán, với kênh quảng bá phổ biến nhất là hội trợ, triển lãm quốc tế, chi phí cho mỗi lần tham dự cũng lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng, các kênh khác như quảng cáo tại địa điểm hoặc thị trường xuất khẩu có thể lên đến hàng triệu USD. Ngoài ra, để xây dựng được thương hiệu thì vấn đề đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ cũng rất cần thiết, song các doanh nghiệp vẫn phàn nàn quy trình đăng ký hiện nay khá phức tạp, rắc rối nên mất nhiều thời gian. Đã có trường hợp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có xuất xứ từ Việt Nam chỉ được bán với giá vài chục USD, song cũng với sản phẩm ấy, khi nhà nhập khẩu gắn mác thương hiệu của họ, giá trị sản phẩm đã tăng 40 lần. Thực tế này cho thấy, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được thương hiệu trên thị trường để gia tăng giá trị sản phẩm.
“Vì vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp ngành hàng thủ công mỹ nghệ xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ, quảng bá, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ trong việc xác định các dòng sản phẩm đặc trưng, khâu thiết kế, quảng cáo trên thị trường quốc tế”, bà Nhung kiến nghị.
Một trong những giải pháp căn cốt để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ theo GS Từ Thị Loan chính là phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định. Theo đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến Thương mại nhằm hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả của các Hội chợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đầu tư trang thiết bị vào sản xuất, kinh doanh, vì chỉ những doanh nghiệp nào biết kịp thời đổi mới sáng tạo, nắm bắt công nghệ hiện đại thì mới trụ vững và phát triển mạnh…
GS Từ Thị Loan khẳng định, đối với ngành thủ công mỹ nghệ, nguồn nhân lực chính là các nghệ nhân, những người thợ thủ công và chủ cơ sở sản xuất kinh do-anh. Do đó, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng, bí quyết riêng của nghề thì còn cần sự trang bị kiến thức kinh doanh, phát triển sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
Vì vậy cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là giải pháp cơ bản để chúng ta đảm bảo được nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho các làng nghề. Để phát triển bền vững, Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; có chính sách điều phối tạo các vùng nguyên liệu, vùng khai thác nguyên liệu, vùng chế biến nguyên liệu.
“Cùng với đó là tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ; gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động”, GS Từ Thị Loan gợi mở.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Dư địa xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn
Thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng, nhưng sự thiếu liên kết đang cản trở sự phát triển của các nghề thủ công. Việc thực hiện được liên kết này không thể để mặc cho các cơ sở sản xuất mà cần có sự xuất hiện của nhà quản lý. Các nhà quản lý có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn kết nối các bên trong phát triển sản phẩm.
Đặc biệt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân. Các làng nghề trên cả nước thu hút trên 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã. Dư địa xuất khẩu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các sàn thương mại điện tử, công nghệ truy xuất nguồn gốc.
Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm, nhất là những cơ hội lớn đang được mở ra từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA đối với ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay.
TS Nguyễn Thị Tòng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng mỹ thuật Sản phẩm Làng nghề Việt Nam: Giải pháp phát triển cụm công nghiệp làng nghề
Kinh nghiệm phát triển cụm công nghiệp làng nghề của các quốc gia cho thấy vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc định hướng và hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách. Phát triển liên kết trong cụm công nghiệp làng nghề nên xây dựng liên kết ngành trục bánh xe và nan hoa, là liên kết được chi phối bởi một hay một vài doanh nghiệp lớn (đóng vai trò trục bánh xe) có các nhà cung cấp hay các doanh nghiệp liên quan với quy mô nhỏ hơn ở xung quanh (các nan hoa). Khi hình thành liên kết này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong làng nghề sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thị trường đầu tư và dây chuyền công nghệ hiện đại. Cần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc hình thành và phát triển các liên kết trong cụm công nghiệp làng nghề. Điều cần nhấn mạnh là vai trò của Nhà nước thể hiện rõ nét, không phải bằng các can thiệp trực tiếp, mà bằng các cơ chế chính sách tổng hợp hay tạo ra một môi trường tốt nhất với hạ tầng cơ sở thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực liên kết với nhau.