“Luật Chăn nuôi đã được thông qua và có hiệu lực. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường trong nước và quốc tế đang ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, cơ hội của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn lớn và có triển vọng hướng tới xuất khẩu…” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 diễn ra ngày 15/9, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần đạt 11,6 tỉ quả; sữa tươi tăng 3,6 lần lên 936,7 nghìn tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 2,4 lần. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6-6,5 triệu hộ trong số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Cùng với đó, trong 10 năm qua Việt Nam cũng đã hoàn thành khung pháp luật cho ngành chăn nuôi, cụ thể là đã ban hành Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, là cơ sở pháp lí vận hành ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại.
Dẫu vậy, theo Bộ trưởng Cường, ngành chăn nuôi nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đóng góp tương xứng vào ngành nông nghiệp và trở thành ngành sản xuất chính. Cụ thể, việc phát triển chăn nuôi còn mất cân đối về cơ cấu các sản phẩm, nhất là tỉ lệ thịt lợn vẫn còn cao, trong khi các loại thịt khác như thịt bò, gia cầm vẫn còn thấp. Mặt khác, trong khi nhiều mặt hàng về trồng trọt, thủy sản đã xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế thì sản phẩm chăn nuôi chưa khẳng định được vai trò, chưa vươn ra xuất khẩu đáng kể…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo đó, ngành chăn nuôi cần khắc phục triệt để tồn tại để phát triển theo 3 trục về hiệu quả kinh tế, môi trường, an sinh xã hội hướng đến mục tiêu bền vững. Đổi mới mạnh mẽ cơ cấu lại ngành hàng hướng tới xuất khẩu.
Ghi nhận sự phát triển của ngành chăn nuôi trong những năm qua, tuy nhiên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước ta nhìn chung còn yếu. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch của ngành chăn nuôi mặc dù đã có, nhưng khâu thực hiện vẫn còn chưa triệt để, khiến ngành chăn nuôi vẫn còn tự phát, chạy theo phong trào. Điều này khiến cung - cầu về sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định, lúc thừa, lúc thiếu. Đơn cử, như mặt hàng thịt lợn những năm gần đây liên tục biến động, có lúc dư thừa, Chính phủ phải kêu gọi “giải cứu” thịt lợn năm 2017, nhưng có lúc lại thiệt hại vì dịch bệnh, khan hiếm thịt lợn khiến giá thịt lợn quá cao suốt từ cuối năm 2019 đến nay, khiến Chính phủ phải kêu gọi giảm giá thịt lợn.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều thời cơ và vận hội lớn. Trong đó, chủ trương phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, toàn diện luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. Luật Chăn nuôi đã được thông qua và có hiệu lực. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường trong nước và quốc tế đang ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, cơ hội của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn lớn và có triển vọng hướng tới xuất khẩu… Đây là những nền móng quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển trong giai đoạn tới.
Năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm quốc gia sản xuất chăn nuôi tiên tiến trong khu vực
Dự thảo chiến lược chăn nuôi đến năm 2030 đã đề ra một số mục tiêu cụ thể: Mức tăng trưởng giá trị sản xuất: giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại: đến năm 2025 đạt từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6,0 đến 6,5 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu từ 15 đến 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm. Sản lượng trứng, sữa: đến năm 2025 đạt từ 18 đến 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: từ 25 đến 30% vào năm 2025, từ 40 đến 50% vào năm 2030…