Thời tiết ẩm ướt: Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

An Thái - Đức Trân 14/02/2020 06:50

Sáng 13/2, đường phố Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc khiến tầm nhìn bị hạn hẹp, nhiều phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn để đảm bảo an toàn. Thậm chí nhiều tòa nhà cao tầng tại Thủ đô cũng “biến mất” vì bị sương mù bao phù. Theo các chuyên gia, thời tiết mùa xuân và đầu mùa hè ở miền Bắc nước ta có đặc điểm riêng là độ ẩm cao mà chúng ta thường quen gọi là tiết trời nồm. Độ ẩm trong không khí cao làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp và gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh.

Thời tiết ẩm ướt: Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

Thời tiết nồm ẩm, nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang đạt chuẩn để phòng ngừa dịch bệnh.

Chất lượng không khí ở mức xấu

Chỉ số không khí cập nhật theo giờ trên website: moitruongthudo.vn vào lúc 8h ngày 13/2 cho thấy, Hà Nội có 8/10 trạm quan trắc ghi nhận chất lượng không khí ở mức kém (màu cam), chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 103 - 148, gồm: Hoàn Kiếm 103, Tây Mỗ 105, Mỹ Đình 109, Trung Yên 3 là 123, Thành Công 127, Minh Khai 147, Phạm Văn Đồng 147 và Hàng Đậu 148; có 2/10 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở ngưỡng trung bình (màu vàng) là Kim Liên 88, Tân Mai 99.

Tính đến 11h trưa ngày 13/2 (trên website: moitruongthudo.vn), chỉ số AQI tại các trạm quan trắc tăng cao hơn. Riêng khu vực Hoàn Kiếm có chỉ số AQI ở mức trung bình - 88, 5/10 trạm quan trắc ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu, chỉ số AQI cao dao động từ 155 - 167 như: Thành Công, Hàng Đậu, Minh Khai… Các khu vực còn lại ở mức kém.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT): nguyên nhân của tình trạng sương mù nhiều ở Hà Nội vào sáng 13/2 là do nhiệt độ tăng sau nhiều ngày chìm trong giá lạnh, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Đặc biệt, vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, trời lặng gió nên dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt gây sương mù vào sáng sớm. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí không thể phát tán lên cao và đi xa dẫn đến ô nhiễm...

Trong điều kiện chất lượng không khí như hiện nay, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT Hà Nội), cũng đưa ra những khuyến cáo cho người dân, nhóm nhạy cảm (bao gồm: Trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe. Khi tham gia giao thông mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường. Tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao như: Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai… Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp. Người dân nên hạn chế ra ngoài trời để bảo vệ sức khỏe. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang đạt chuẩn có thể ngăn được bụi mịn (PM2.5)...

Trước đó, trong các ngày 11, 12/3 chất lượng không khí tại Hà Nội luôn ở mức xấu và kém do thời tiết nồm ẩm.

Chủ động bảo vệ sức khỏe

Các chuyên gia y tế phân tích, độ ẩm cao tạo điều kiện tốt cho các virus, vi khuẩn, nấm mốc, bọ bụi nhà… phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (bệnh viêm mũi họng cấp tính, viêm phế quản cấp, viêm phổi), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, một số bệnh ngoài da và gia tăng tình trạng dị ứng. Độ ẩm kích thích trực tiếp vào niêm mạc đường thở dẫn đến viêm, tăng tiết và co thắt phế quản dẫn đến có các triệu chứng ho, hắt hơi, khó thở…Thời tiết nồm làm kích thích xuất hiện các đợt bùng phát và làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Ngoài ra còn có nguy cơ làm gia tăng bệnh cúm, tiêu chảy…
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tiến - chuyên gia lao và bệnh phổi: Để hạn chế ảnh hưởng xấu của độ ẩm cao, cần có những biện pháp sau để giảm độ ẩm trong không khí. Tốt nhất trong phòng có dụng cụ đo độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí trong phòng ở mức 40 - 60% bằng các biện pháp như đóng cửa kính phòng kết hợp với dùng máy hút ẩm, dùng điều hòa 2 chiều chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô. Khi đun nấu, tắm rửa… làm tăng độ ẩm trong không khí trong phòng thì cần có quạt thông gió.

Song song với các biện pháp điều trị kiểm soát các bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính, cần chú ý tiêm phòng cúm vào mùa thu đông cho những bệnh nhân này.

Một bệnh thường xảy ra vào mùa đông - xuân khi trời nồm ẩm, đó là cúm mùa. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cảnh báo, cúm mùa H1N1 là loại cúm thường gặp ở Việt Nam do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, khi có biểu hiện cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... kèm theo cảm giác mệt mỏi quá mức bình thường, đau tức ngực, sốt cao tăng lên thì nên đến viện để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết nồm ẩm đến sức khỏe người cao tuổi, cách phòng bệnh tốt nhất là tăng cường sức đề kháng bằng cách thay đổi thực đơn trong các bữa ăn hằng ngày thật khoa học, hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nên cung cấp nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì tăng chất đạm, chất béo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời tiết ẩm ướt: Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe