Thời tiết nắng nóng, làm gì để cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản?

An Chi 14/07/2021 15:40

Các chuyên gia cảnh báo, ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thời điểm hiện tại, người dân cần đề cao cảnh giác với các dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè, đặc biệt là viêm não Nhật Bản với nhiều biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao và có khả năng lây lan mạnh.

Viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào các tháng hè, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ vaccine. Không những gây tỷ lệ tử vong cao, viêm não Nhật Bản còn để lại những di chứng nặng nề đối với người bệnh. Do đó, người dân cần cảnh giác với viêm não Nhật Bản khi nắng nóng, trong đó tiêm chủng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong hơn 10 năm trở lại đây, số ca mắc viêm não virus trung bình khoảng 1.000 - 1.200 trường hợp/năm và có khoảng 20- 50 trường hợp tử vong; trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200- 300 trường hợp mắc và tăng cao vào các tháng mùa Hè. Đây là bệnh có diễn biến nặng, chủ yếu tấn công trẻ dưới 15 tuổi.

Viêm não Nhật Bản do virus gây ra, bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 15 tuổi, song người trưởng thành vẫn có khả năng mắc bệnh viêm não Nhật Bản khi trong cơ thể không có miễn dịch chống virus. Hơn thế nữa, bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền do muỗi, vì vậy, mùa nắng nóng cộng thêm thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi nhất cho các loài muỗi phát triển nhanh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc viêm não Nhật Bản và chưa có trường hợp tử vong. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, số ca mắc viêm não Nhật Bản trong năm nay giảm hơn so với năm ngoái, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan bởi bệnh thường gia tăng vào mùa hè nắng nóng, cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (chiếm tỷ lệ từ 25 đến 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Hiện tại vẫn còn nhiều trường hợp mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đủ số mũi. Nhiều bà mẹ cho rằng, con chỉ cần tiêm phòng 3 mũi vắc xin đến khi 2 tuổi là đủ. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cảnh báo.

Đề cập đến nguyên nhân gia tăng viêm não Nhật Bản trong mùa hè, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, vi rút gây bệnh truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Do mùa này muỗi truyền bệnh phát triển, chim di cư về ăn quả chín... là những yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đối tượng hay gặp là trẻ em và kể cả người lớn, nếu chưa được tiêm phòng và chưa từng nhiễm vi rút.

Cần làm gì để ngăn chặn bệnh viêm não Nhật Bản?

Do bệnh xuất hiện và có thể gây ra biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo, khi nghi ngờ bị viêm não cần cho trẻ bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh càng sớm càng tốt. Không nên tự chẩn đoán bệnh và không tự mua thuốc để tự điều trị khi không có chuyên môn về y học. Nếu đưa người bệnh đến bệnh viện muộn sẽ rất khó khăn cho việc điều trị và nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

Trước đây, hàng năm, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận từ 500 đến 600 trẻ mắc viêm não, trong đó hơn 50% là viêm não Nhật Bản. Thế nhưng, nhờ hiệu quả của tiêm chủng, tỷ lệ này giảm còn khoảng 30-50 ca mỗi năm. “Cách phòng tránh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 cách 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, nếu không tiêm đủ liều, hiệu quả bảo vệ rất thấp. Nếu chỉ tiêm 1 mũi đầu tiên, thì gần như không có hiệu lực bảo vệ; tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi, hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm các mũi còn sót, các mũi chưa tiêm. Ngoài ra, các gia đình cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao thể trạng, đồng thời nằm màn khi ngủ nhằm tránh muỗi đốt, giữ vệ sinh môi trường, nơi ở thông thoáng, sạch sẽ.

Thời điểm này, Hà Nội cùng với cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà bỏ qua việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn lưu ý, khi đưa trẻ đến các điểm tiêm phòng, các bậc phụ huynh cần tuân thủ thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay tại cửa phòng tiêm, bảo đảm giãn cách...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời tiết nắng nóng, làm gì để cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản?