Trong tuần, mọi sự chú ý đều dồn về Tokyo, khi ông Kishida Fumio chính thức trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, đồng thời “ngay lập tức” công bố danh sách nội các mới.
Trước đó 1 tuần, Quốc hội Liên bang Đức bầu cử xong, nhưng chưa xác định được Thủ tướng mới thay thế bà Angela Merkel. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày, chính trường của nền kinh tế thứ ba thế giới là Nhật Bản và thứ tư (Đức) đã có sự thay đổi hết sức quan trọng.
Sáng ngày 4/10, ông Kishida Fumio nhận được đa số phiếu bầu ủng hộ tại cả Hạ viện và Thượng viện, thì ngay trong buổi chiều cùng ngày, vị Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản đã công bố nội các mới. Nội các mới dưới sự điều hành của ông Kishida bao gồm các lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ tự do (LDP) và nhiều đồng minh của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Ổn định chính sách đối ngoại và quốc phòng
Hãng tin Reuters cho biết nội các của ông Kishida sẽ có 13 người chưa từng tham gia Chính phủ trước đây. Điều này phù hợp với cam kết của ông Kishida là trao cơ hội cho những người mới. Chính phủ mới cũng có 3 nữ Bộ trưởng, nhiều hơn nội các người tiền nhiệm Suga Yoshihide một người.
Trong một cuộc họp báo ngắn, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết, có 2 người trong chính quyền ông Suga được tái bổ nhiệm là Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo (em ruột của cựu Thủ tướng Abe Shinzo). Ghế Bộ trưởng của những bộ có vai trò quan trọng khác thuộc về các đồng minh của ông Abe và cựu Bộ trưởng Tài chính Aso Taro.
“Việc tái bổ nhiệm ông Motegi và ông Kishi cho thấy sẽ có sự tiếp nối ổn định trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản. Chính phủ của ông Kishida cũng tạo ra một chức danh mới là Bộ trưởng Bộ An ninh kinh tế do ông Kobayashi Takayuki phụ trách. Ông Kobayashi là một đồng minh của Tổng thư ký LDP Amari Akira, người đã tuyên bố vào ngày 3/10 rằng bộ trưởng An ninh kinh tế có quyền huy động tất cả các bộ và cơ quan” - nhà phân tích chính trị Atsuo Ito nói với Reuters và them rằng, một điểm đáng chú ý nữa là trong nội các Kishida có 13 người lần đầu được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, chiếm 65% tổng số thành viên.
Quyết sách lấy người dân làm trung tâm
Tờ Asahi nhận xét, nội các mới của ông Kishida Fumio là liên minh giữa đảng Dân chủ tự do (LDP) và đảng Công minh (LKP) đảm bảo cân bằng trong đảng và cân đối giữa các lứa tuổi.
Tối 4/10, ngay sau khi nội các mới được công bố, trong phát biểu của mình ông Kishida đã nhấn mạnh việc xây dựng chính phủ tín nhiệm, thúc đẩy các chính sách quốc gia, đồng thời cho biết ông sẽ trả lời các chất vấn trước Quốc hội từ ngày 11-13/10.
Về chính sách phòng chống dịch Covid-19, ông Kishida lấy trọng tâm là giải thích cặn kẽ cho người dân về các quyết định của Chính phủ nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội và triển khai các biện pháp ứng với giả định về các tình huống xấu nhất. Ông Kishida cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, đảm bảo hệ thống y tế, hoàn thiện cơ chế xét nghiệm, triển khai các biện pháp ứng phó với nhiều tình huống.
Về chính sách kinh tế, Thủ tướng Kishida đề cập việc thực hiện “chủ nghĩa tư bản kiểu mới” ở Nhật Bản, thực hiện kinh tế tuần hoàn giữa tăng trưởng và phân phối thu nhập, đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho người dân; xây dựng tầm nhìn kinh tế hậu Covid-19.
Nhận xét của truyền thông Nhật Bản cho rằng, ông Kishida đã cho thấy mình là người có khả năng lắng nghe và sẵn sàng hồi đáp các thắc mắc của người dân. Theo tờ Nikkei Asia, các cuộc thăm dò cho thấy mức độ tín nhiệm của người dân đối với LDP đã tăng lên nhanh chóng sau khi ông Kishida lên làm chủ tịch đảng này. Tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 cũng đã được dỡ bỏ ngay trước khi ông Kishida nhậm chức cũng đã tạo nên tâm lý phấn chấn, báo Nikkei Asia nhận xét.
Còn theo ông Corey Wallace - một chuyên gia về chính trường Nhật Bản tại Đại học Kanagawa, thì vị tân Thủ tướng 64 tuổi Kishida đang tận dụng tốt thời kỳ “trăng mật” - ý nói sự ủng hộ và kỳ vọng của người dân với tân Thủ tướng trong thời gian đầu mới nhậm chức - để đẩy nhanh nhiều hoạt động thật sự cần thiết.
Cuộc điện đàm đầu tiên
Sáng 5/10, có nghĩa là chỉ 1 ngày sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Kishida Fumio đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này cho thấy, chính quyền mới của Nhật Bản tiếp tục coi trọng liên minh Mỹ - Nhật, đây vẫn là nền tảng trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản.
Tại cuộc điện đàm, hai bên đã tái khẳng định việc áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, trong đó nêu rõ nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ đối với Nhật Bản, bao gồm cả tỉnh Okinawa và quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Đồng thời nhất trí hợp tác chặt chẽ để hướng tới hiện thực hóa một “Ấn Độ dương -Thái Bình dương tự do và rộng mở”.
Vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như những yếu tố thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống cũng được ông Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ đặt ra. “Liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ dương - Thái Bình dương và thế giới. Chính quyền Mỹ mong muốn được làm việc chặt chẽ với Thủ tướng Kishida Fumio để tăng cường hợp tác trong thời gian tới” -Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với báo chí ngay sau cuộc điện đàm .
Về phía tân Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida cho biết đã nhận được “thông điệp mạnh mẽ” từ Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút. “Việc duy trì mạnh mẽ mối quan hệ “đối tác lịch sử” giữa hai nước sẽ giúp Washington và Tokyo ứng phó với những thách thức trên thế giới hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ sớm có cuộc gặp gỡ trực tiếp” - ông Kishida cho biết.
Cũng trong ngày 5/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Australia Scott Morrison đã thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, bảo gồm cả việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển công nghệ năng lượng sạch như hydrogen và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh.
Những thách thức trung hạn cần phải vượt qua
“Tiếp quản di sản” của vị Thủ tướng tiền nhiệm - ông Suga, tân Thủ tướng Kishida được cho là sẽ phải “có cách nào đó” đưa Nhật Bản nhanh chóng thoát khỏi đại dịch Covid-19 và lấy lại được đà tăng trưởng kinh tế kể cả khi đại dịch chưa kết thúc. Đây là thách thức rất lớn đối với bản thân ông Kishida cũng như Chính phủ mới của Nhật Bản. Khi ông Kishida trở thành Chủ tịch mới của LDP thì tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực ở 19 trong tổng số 47 tỉnh, thành. Điều đó có nghĩa là Covid-19 tuy đã được khống chế nhưng đe dọa tiềm tàng thì vẫn còn đó.
Trong đại dịch đã kéo dài gần 2 năm, nền kinh tế Nhật Bản đã phải chịu nhiều tổn thất. Nền kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong tài khóa 2020 cho dù phục hồi mạnh trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12/2020.
Chưa hết, cùng với việc khống chế dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế, trong trung hạn, ông Kishida sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề hóc búa khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện cán cân thu - chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công/GDP, vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà hai người tiền nhiệm của ông Kishida chưa thể giải quyết (ông Abe và ông Suga).
3 cam kết và 3 chính sách
Ông Kishida Fumio sinh ngày 29/7/1957 tại Tokyo. Gia đình ông có thể gọi là “trâm anh thế phiệt”, khi cha ông từng là Hạ nghị sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông nội của ông Kishida là Hạ nghị sĩ trước và sau thời chiến tranh. Anh của ông từng là Bộ trưởng Kinh tế và Sản nghiệp Nhật Bản.
Thời tiểu học từ năm lớp 1 đến lớp 3, ông Kishida học tại NewYork (Mỹ) do cha ông làm việc tại đây. Tháng 6/1966 ông về nước. Năm 1973 theo học tại Trường Phổ thông trung học Kaisei. Ông tốt nghiệp chuyên ngành pháp lý Đại học Waseda. Sau khi ra trường, ông Kishida trở thành nhân viên tại một ngân hàng ở Tokyo.
Năm 1993, lần đầu tiên ông trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ tự do (LDP) tham gia vào cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 40 và trúng cử. Sau đó, liên tiếp 9 kỳ bầu cử, ông đều trúng cử. Năm 2015 ông là Bộ trưởng Ngoại giao, và tháng 7/2017 là Bộ trưởng Phòng vệ, sau đó là Trưởng ban Nghiên cứu chính sách của LDP.
Ông Kishida là người có lối sống giản dị. Trong đợt tranh cử làm Chủ tịch LDP, ông đã đưa ra 3 cam kết và 3 chính sách cần phải thực hiện. 3 cam kết đó là: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; hướng tới xã hội chia sẻ. 3 chính sách là: Dồn sức thực hiện chính sách ngăn ngừa đại dịch Covid-19; hình thành “chủ nghĩa tư bản mới” mang hình thái Nhật Bản; chính sách đảm bảo an ninh - ngoại giao.
Có thể còn quá sớm để nói tới hiệu quả của hình thái xã hội này, nhưng rõ ràng Nhật Bản kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn mới với con đường mới, hướng tới một xã hội hạnh phúc.