Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển thị trường tài chính minh bạch, hiệu quả

Lê Anh 23/04/2022 07:00

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nêu rõ: Thị trường vốn và thị trường tiền tệ là hai phân khúc quan trọng của thị trường tài chính, trong đó thị trường tiền tệ (ngắn hạn) thuộc chức năng tổ chức, điều hành của NHNN.

Chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trình bày tham luận "Thúc đẩy thị trường vốn phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế - từ góc độ ngành ngân hàng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nêu rõ: Thị trường vốn và thị trường tiền tệ là hai phân khúc quan trọng của thị trường tài chính, trong đó thị trường tiền tệ (ngắn hạn) thuộc chức năng tổ chức, điều hành của NHNN.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày tham luận. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày tham luận. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, các tổ chức tín dụng (TCTD) đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường vốn phát triển, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. NHNN với vai trò cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời triển khai các biện pháp quản lý, tạo lập môi trường cho các TCTD tham gia thị trường vốn đảm bảo an toàn hoạt động. Thị trường vốn có sự phát triển tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết để phát triển bền vững hơn, theo đó trong thời gian tới NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả.

Trong thời gian qua, NHNN đã luôn bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động điều hành các công cụ và giải pháp tiền tệ, nhờ vậy thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn đối với thị trường vốn thực hiện theo các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, khi các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia vào thị trường vốn, ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật về lĩnh vực chứng khoán, các TCTD còn phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD.

Về phía ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN tham luận trên 3 góc độ:

TCTD tham gia thị trường vốn với vai trò là Nhà đầu tư

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trên thị trường vốn, TCTD có thể trở thành nhà đầu tư trực tiếp đối với trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); riêng đối với cổ phiếu, thì TCTD phải thành lập hoặc mua lại các công ty con, công ty liên kết (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ) để thực hiện hoạt động mua bán cổ phiếu.

Thống đốc phân tích, TCTD là nhà đầu tư đối với TPCP: Theo số liệu của UBCKNN, TCTD hiện là nhà đầu tư TPCP lớn thứ 2 sau Bảo hiểm xã hội, đến cuối năm 2021 tổng qui mô TPCP được hệ thống TCTD nắm giữ khoảng 793 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,86% tổng giá trị TPCP đang được giao dịch trên thị trường. Những năm qua, NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, trao đổi thông tin, qua đó, chủ động điều tiết thanh khoản hệ thống TCTD, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường thấp để hỗ trợ phát hành thành công TPCP với kỳ hạn dài và lãi suất ở mức thấp, hiện lãi suất kỳ hạn 10 năm khoảng 2,2%/năm, 30 năm khoảng 3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Mặc dù việc đầu tư, nắm giữ TPCP hầu như không phát sinh rủi ro tín dụng, tuy nhiên do huy động tiền gửi chủ yếu là ngắn hạn, trong khi TPCP lại có kỳ hạn dài nên cũng tiềm ẩn rủi ro, nhất là rủi ro chênh lệch kỳ hạn. Do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD khi tham gia thị trường TPCP, thời gian qua, NHNN đã ban hành một số VBQPPL điều chỉnh hoạt động mua, đầu tư, nắm giữ TPCP của TCTD như: quy định tỷ lệ mua, đầu tư TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

TCTD là nhà đầu tư đối với TPDN: Tính đến cuối năm 2021, có 41 TCTD tham gia với tổng dư nợ TPDN của hệ thống TCTD là 274 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, qua đó, góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD, NHNN kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN thông qua nhiều quy định. Như: Hoạt động mua, đầu tư TPDN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng khi xác định giới hạn tín dụng; Quy định TCTD mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua TPDN khi TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; TCTD chỉ được mua TPDN khi phương án phát hành, phương án sử dụng vốn khả thi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi đúng hạn, doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất;TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành, có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động...Đầu tư TPDN với mục đích mua, bán, trao đổi TPDN trong thời hạn dưới một năm để thu lợi từ chênh lệch giá thị trường (hoạt động tự doanh) phải ban hành hạn mức rủi ro; tuân thủ quy định, quy trình quản lý rủi ro, tính toán vốn cho rủi ro thị trường trong giao dịch tự doanh TPDN; phải có các phương pháp, mô hình đo lường rủi ro và xây dựng, vận hành hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ đối với các khách hàng; đồng thời phải thường xuyên rà soát đối với các khoản đầu tư TPDN có vấn đề...NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư TPDN của TCTD; từ đó chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu TCTD kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN. Phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra thực trạng phát hành của thị trường TPDN trong năm 2019 và 2020.

TCTD là nhà đầu tư gián tiếp đối với cổ phiếu (thông qua các công ty con để đầu tư cổ phiếu): Luật TCTD quy định TCTD không được trực tiếp đầu tư cổ phiếu, nhưng thay vào đó TCTD có thể đầu tư cổ phiếu thông qua thành lập hoặc mua lại các công ty con, công ty liên kết (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ) để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu. Hiện tại có 10 NHTM có công ty chứng khoán để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

TCTD tham gia thị trường vốn với vai trò là Nhà phát hành

Đề cập đến TCTD là TCTD tham gia thị trường vốn với vai trò là Nhà phát hành trái phiếu: Đây là kênh huy động vốn quan trọng đối với TCTD, mang lại lợi ích cho cả TCTD là Người phát hành và Nhà đầu tư.

Đối với TCTD: Thông qua thị trường này, TCTD có thể huy động được nguồn vốn trung dài hạn, giúp cân đối vốn để cho vay đối với doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn. Thông qua phát hành TPDN, TCTD có thể tăng vốn cấp II, tạo thuận lợi cho việc tăng cường năng lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), gia tăng khả năng cấp tín dụng trung dài hạn cho nền kinh tế.

Còn về phía Nhà đầu tư: Có được quyền lợi tương tự như người gửi tiền khi trái phiếu đến hạn sẽ được TCTD chi trả đầy đủ gốc, lãi như các khoản tiền gửi. Ngoài ra, tùy thuộc vào đặc tính của loại hình trái phiếu do TCTD phát hành, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu do TCTD phát hành còn có thể có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu nếu trái phiếu đó là trái phiếu chuyển đổi...

Để đảm bảo phù hợp với Luật Chứng khoán năm 2019 và các Nghị định 153, Nghị định 155 của Chính phủ về phát hành TPDN, thời gian qua NHNN đã hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát hành trái phiếu của các TCTD. Đồng thời để kiểm soát TCTD đầu tư quá mức vào trái phiếu do TCTD khác phát hành, NHNN cũng bổ sung quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn như: loại trừ khỏi vốn cấp II của TCTD đầu tư trái phiếu đủ điều kiện tính vào vốn cấp II của TCTD phát hành, áp dụng hệ số rủi ro đối với khoản phải đòi các TCTD.

Trên thực tế, TCTD là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường TPDN hiện nay, là định chế chính tạo lập thị trường TPDN, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường TPDN. Năm 2021, trái phiếu do TCTD phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng TPDN phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 TCTD phát hành trái phiếu với dư nợ khoảng 427nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

TCTD là Nhà phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán: Tính đến hết 2021, có 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và UPCOM (trong đó có 18 NHTM niêm yết trên sàn HOSE, 01 NHTM niêm yết trên sàn HNX và 08 NHTM đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM). Nhóm cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường, mức độ giao dịch hằng ngày chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch, có khả năng dẫn dắt thị trường, nhiều ngân hàng đã được vào rổ VN-Diamond, VN30. Qua đó, góp phần vào sự phát triển của thị trường chứng khoán

TCTD cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán

Ngoài việc tham gia trực tiếp trên thị trường vốn với vai trò Nhà đầu tư và Nhà phát hành, TCTD còn cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường vốn. Bám sát chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn quan tâm theo sát diễn biến thị trường chứng khoán; hàng năm ngay đầu năm, NHNN ban hành Chỉ thị 01 chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro bao gồm kinh doanh chứng khoán.

NHNN ban hành nhiều văn bản chỉ đạo TCTD kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với mục đích đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Đồng thời, thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán như quy định hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để đầu tư kinh doanh chứng khoán là 150%; quy định kiểm soát cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, TPDN. Đồng thời ban hành lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để hạn chế phân bổ vốn tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán dài hạn. TCTD chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 01 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, TPDN và khi cấp tín dụng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng là công ty con, công ty liên kết để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, TPDN...

Với vai trò gián tiếp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển thông qua việc cấp tín dụng cho khách hàng (nhà đầu tư) để đầu tư, kinh doanh chứng khoán và với tinh thần thận trọng như đề cập ở trên để đảmbảo an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng nên dư nợ tín dụng đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn khá nhỏ (chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống).

Bên cạn đó, TCTD tham gia thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS): Năm 2017, TTCKPS tại HNX chính thức khai trương; theo đó, khung pháp lý hiện hành cho phép 3 loại hàng hóa được giao dịch là Hợp đồng tương lai: (i) Chỉ số VN30, (ii) Chỉ số HNX30, (iii) và TPCP. Các NHTM tham gia vào TTCKPS với vai trò là công cụ phòng vệ. Đến nay, NHNN đã ban hành các văn bản để tạo hành lang pháp lý cho các NHTM tham gia TTCKPS. Theo đó, NHNN đã cấp phép cho một số NHTM được đầu tư Hợp đồng tương lai TPCP.

Một số vấn đề cần quan tâm và kiến nghị

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường TPDN của Việt Nam có qui mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống. Do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư TPDN như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường; hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường TPDN còn hạn chế. Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ TPDN nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro khi mua TPDN, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nên cũng hạn chế đáng kể việc đánh giá và ra quyết định của các nhà đầu tư. Trong điều kiện thị trường hiện nay, hầu hết TPDN chưa được niêm yết, phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư khó nắm bắt thông tin, khả năng thanh khoản thấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có thị trường TPDN chuyên biệt nên khi phát sinh nhu cầu mua, bán TPDN trên thị trường thứ cấp nhà đầu tư và nhà phát hành phải chào mua, chào bán tới từng tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng được thị trường TPDN chuyên biệt theo thông lệ quốc tế đòi hỏi phải hình thành đồng bộ được các yếu tố cấu thành bao gồm cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, bù trừ chuyên biệt, các thành viên giao dịch chuyên nghiệp… là những nội hàm quan trọng để thị trường TPDN có thể phát triển bền vững trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu một số kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.

Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tài chính, tiền tệ để kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh…) theo hướng tập trung hiện đại hóa công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch thị trường; đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường TPDN), giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các TCTD, nhất là vốn trung dài hạn.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của TTCK, trong đó có thị trường TPDN.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ CSTT, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK.

Về phía doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động; đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh;… để tăng niềm tin của nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển thị trường tài chính minh bạch, hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO