Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường hỗ trợ để không đứt gãy chuỗi cung ứng ngành. Bộ NNPTNT cũng kêu gọi doanh nghiệp cần phát huy tinh thần hỗ trợ tích cực mua lúa gạo cho nông dân…
Khó trăm bề
Theo Bộ NNPTNT, vụ Hè Thu năm nay miền Tây xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch hơn 700.000 ha, số còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 8 và đầu tháng 9, với tổng sản lượng toàn vụ khoảng 8 triệu tấn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên các tỉnh đều gặp khó khăn dẫn đến giá lúa tươi bán tại ruộng của bà con nông dân thấp. Hiện lúa thơm chỉ còn 5.500-5.600 đồng mỗi kg, giảm 500-600 đồng. Lúa chất lượng cao giảm 800 đồng mỗi kg, chỉ còn 5.200 đồng.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) lo ngại: Giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Hiện nay, sản lượng thu mua lúa Hè Thu 2021 sụt giảm 20-30%; doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ”; sấy lúa, nhà máy xay, ghe... không hoạt động được do phải có test nhanh.
Từ địa phương, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Đồng Tháp áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” nên chỉ còn 49/239 doanh nghiệp xay xát lúa gạo trên địa bàn còn hoạt động. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ hàng hoá nông sản nói chung, trong đó có lúa.
Có một thực tế ở nhiều địa phương tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa diễn ra từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy.
Cụ thể, nông dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng, nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng. Hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định. Hàng giao ra cảng thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên tàu biển. Công nhân bốc xếp phải thực hiện “3 tại chỗ” rất khó khăn trong điều kiện trên tàu.
Với góc nhìn doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, hiện nay chuỗi cung ứng logistics lúa gạo đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lúa bị ách tắc từ đồng ruộng cho đến nhà máy, cảng xuất khẩu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc khẳng định, Vinafood 1 sẵn sàng thu mua lúa cho nông dân thực tế, Vinafood 1 đang có đơn hàng 100.000 tấn gạo cần phải mua ngay để giao cho phía đối tác, nhưng “lực bất tòng tâm” vì chuỗi cung ứng logistics bị đứt gãy. Chưa kể các nhà máy ở An Giang và Đồng Tháp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp không thuê được tàu, hoặc container để xuất hàng cho đối tác, dẫn đến hàng hóa ùn ứ ở cảng và kho rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc còn tồn hơn 118.000 tấn gạo trong các kho, trữ lượng hàng tồn từ 70% đến 86% tổng diện tích kho của các Công ty.
“Các địa phương nếu không sớm đưa 2 cảng Mỹ Thới và Thốt Nốt trở lại hoạt động bình thường, để giảm áp lực cho cảng Cát Lái (TP HCM) thì bài toán đầu ra cho lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chưa có hồi kết”- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc nhấn mạnh.
Giá lúa đã nhích lên
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, trước tình hình ách tắc nông sản và khó khăn của các doanh nghiệp chế biến nông sản, Bộ vừa thành lập Tổ công tác thường trực ở phía Nam, lập nhóm Zalo các giám đốc sở NNPTNT khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên để nắm thông tin và đưa ra hướng chỉ đạo kịp thời. Tổ công tác đã trực tiếp phối hợp với các địa phương giải tỏa rất nhiều ách tắc, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Những vướng mắc về nhận thức và cách điều hành của các địa phương dần được khắc phục.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, chế biến nông sản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, hiện nay, tình hình khó khăn tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL đã cơ bản giải quyết, giá lúa đã nhích lên. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục theo sát, nắm bắt thông tin sản lượng và mùa vụ thu hoạch sắp tới, đặc biệt là lúa gạo khu vực vùng ĐBSCL.
Trước đó, nhằm gấp rút gỡ nút thắt cho vựa lúa lớn nhất nước, đặc biệt, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp lúa gạo. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản hỏa tốc gởi Chính phủ đề xuất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa gạo hàng hóa trong bối cảnh các doanh nghiệp “chưa hoàn toàn được thuận lợi”. Theo đó, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vốn vay bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Theo đó, riêng 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ, hiện còn khoảng 3 triệu tấn lúa Hè Thu và Thu Đông sớm chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang (TP Cần Thơ đã thu hoạch xong lúa Hè Thu năm 2021).
Đại diện Sở NNPTNT TP Cần Thơ cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Mặt khác, giá lúa đang thấp, nhưng giá phân bón, vật tư nông nghiệp lại tăng cao, do đó cần có kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương,… xem xét giảm giá bán phân bón, vật tư nông nghiệp để chia sẻ với người nông dân.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Bùi Thị Thanh Tâm mong muốn 4 địa phương sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển cho lực lượng tham gia thu mua, vận chuyển lúa. Cũng theo bà Tâm, việc áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” ở các nhà máy sản xuất lúa gạo là không khả thi, thay vào đó, các địa phương có thể cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương án “một cung đường, 2 điểm đến” để đảm bảo duy trì sản xuất. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy)…
Đáng chú ý, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ thống nhất ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy…). Đồng thời thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Lãnh đạo các tỉnh cũng kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.
Cùng với đó, tỉnh An Giang và TP Cần Thơ sẽ làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Để giải quyết các vấn đề này, Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết đã gửi văn bản đốc thúc các đơn vị thành viên tăng cường thu mua lúa đầu vào. Đồng thời, hội kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực lúa, gạo nói chung và thương lái được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng, vận chuyển kịp thời lúa tươi về nhà máy sấy để đảm bảo chất lượng lúa, gạo tồn trữ đạt yêu cầu.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị xem xét gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 lên 5 ngày để tận dụng các xà lan lớn vận chuyển hàng hoá.
Đồng thời, tạo chính sách luồng xanh trong lưu thông lúa gạo đường thuỷ nội địa theo hai cung đường: Cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistic. Cùng với đó, hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp (tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh) để hỗ trợ thu mua lúa.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay giá lúa có mức cao- thấp khác nhau giữa các địa phương. Ở khu vực nào thương lái thu mua được thì giá lúa tăng, còn có những khu vực việc lưu thông không thuận lợi, vướng nhiều thủ tục thì giá lúa xuống ở mức rất thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp hiện tồn kho cao, không xuất khẩu được dù đơn hàng nhiều nên khó thu mua được cho nông dân.