Thông đường cho xuất khẩu

Thế Anh 24/03/2023 07:00

Số liệu thống kê sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố, trong kỳ 1 tháng 3/2023 (từ ngày 1/3 đến ngày 15/3/2023) tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 27,2 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 4 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2023.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu. Ảnh: Quang Vinh.

Nếu như trong 15 ngày cuối tháng 2, xuất khẩu giảm tới 7,2%, thì sang đến 15 ngày đầu tháng 3 đã tăng trở lại với 6,9%. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2023 đạt 122,95 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 86,66 tỷ USD.

Tích cực mở rộng thị trường

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các DN FDI trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 9,75 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 525 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 2/2023. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các DN FDI đạt 39,6 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 7,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 66% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Ở chiều ngược lại, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 29,4% (tương ứng tăng 3,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2023.

Như vậy, trong kỳ 1 tháng 3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 490 triệu USD. Còn tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,94 tỷ USD.

Mặc dù hoạt động xuất khẩu trong cả quý 1 vẫn tích cực, song mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2023 vẫn đang đứng trước không ít thách thức. Do đó, Bộ Công thương đang tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), xuất khẩu của các ngành hàng khó khăn do sức mua trên toàn thế giới giảm. Số đơn hàng giảm trên 60%, chỉ bằng 1/3 so với các năm trước. Như mọi năm đa số các đơn hàng ký từ đầu năm cho đến cuối quý 3 nhưng năm nay chỉ nhận được đơn hàng 6 tháng đầu năm, đặc biệt số đơn hàng lớn rất ít.

Nguyên nhân do kinh tế suy thoái chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều thị trường lớn khó khăn, tâm lý người tiêu dùng tập trung vào mua hàng hóa thiết yếu…

Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng năm 2023 kinh tế thế giới sẽ không rơi vào suy thoái nặng nề. Để đón đầu, theo ông Phú, cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới trên thế giới thông qua các tham tán, thương vụ. Để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2023, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống. Cụ thể, phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La-tinh tuy nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu thông thoáng về thủ tục hành chính cũng được đặt ra như một giải pháp “thông đường” cho xuất khẩu.

Cộng đồng DN xuất nhập khẩu cho biết, nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính vẫn khiến các DN đau đầu.

Tại Hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu khu vực 4 tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều DN đã nêu lên những rào cản trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu khiến DN mất đi rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Bà Lương Thu Hương - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương, cho biết các DN rất mệt mỏi với kiểm tra chuyên ngành. Thủ tục kiểm tra chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ. Dù đã thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Hơn nữa, đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan Hải quan.

Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra thông quan chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan. Thêm nữa, chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đôi so với chi phí cảng biển. Lãi suất vay tăng cao, tỷ giá biến động trong biên độ cao. Hóa đơn đầu vào của các mặt hàng nông dân sản xuất chưa có nên khó khăn cho việc hạch toán chi phí…

Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các DN xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, đại diện DN tỉnh Hải Dương kiến nghị các bộ, ngành thống nhất hướng dẫn quy định để DN xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua 1 cửa. Đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA. Tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, đặc biệt là những giấy phép điều kiện không thực sự cần thiết.

Ý kiến nhiều DN cho biết, trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, khác biệt tùy theo bộ, ngành và loại hình hàng hóa, trong khi cách hiểu và cách triển khai của các bộ lại chưa thống nhất. Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp DN phải tới tận các bộ, ngành mới giải quyết xong. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông đường cho xuất khẩu