Trong số 500.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động kinh doanh trên cả nước thì các DN của TP HCM chiếm khoảng gần 32%, đóng góp đến 47% GDP; 40% ngân sách Nhà nước, cũng như tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động từ khắp cả nước về sinh sống, làm việc tại thành phố. Những tưởng thực tế trên sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp tại TP HCM, tuy nhiên cũng còn đó không ít thách thức.
Sinh viên cần nhiều cơ hội thực tập trước khi ra trường.
PGS.TS Bùi Thị Thanh (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) đề cập thực tế, mạng lưới DN và đội ngũ doanh nhân của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung hiện nay còn mỏng. Bà Thanh dẫn chứng kết quả khảo sát tại một số trường ĐH trên địa bàn thành phố, như ĐH - Luật, ĐH Kinh tế TP, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Bách khoa… thì tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp kinh doanh thực tế sau 1-2 năm tốt nghiệp tại thành phố chỉ vào khoảng 3-5%, tức mức rất thấp.
Nguyên nhân được chỉ ra là các trường chưa có chuyên ngành đào tạo và các khóa học chuyên môn về khởi nghiệp. Trong khi đó, các nội dung chương trình và phương pháp đào tạo ĐH hiện tại chưa cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng và động lực khởi nghiệp cho sinh viên.
Một số chuyên gia kinh tế còn chỉ ra rằng, phong trào khởi nghiệp tại TP HCM mới chỉ tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề phổ thông như buôn bán, bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ tư vấn, quảng cáo…
Cụ thể, trong số hơn 270.000 lao động tại 16 khu chế xuất và khu công nghiệp tại TP HCM thì lao động qua đào tạo ĐH, CĐ mới chỉ chiếm 7-8%, lao động có tay nghề 18%, còn lại hầu hết là lao động phổ thông với tỷ lệ chiếm 75%. Trong khi đó, những lĩnh vực đang cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới, phải là những ngành nghề cần hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ, công nghệ cao…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết, như: quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, quản trị DN, quản trị nhân lực, quản trị tài chính, dự báo rủi ro… trước khi rời ghế nhà trường. Nhất là việc tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho khởi nghiệp của sinh viên.
Theo một cuộc khảo sát của khoa Quản trị Kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), có đến 53% sinh viên cho rằng sẽ khó khăn để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng cho các dự án khởi nghiệp; 19% sinh viên đánh giá môi trường luật pháp còn nhiều bất lợi cho khởi nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Phong- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, trước bối cảnh TP HCM cũng như các địa phương khác ngày càng chú ý hơn đến phong trào khởi nghiệp thì rõ ràng phải tìm được hướng khởi nghiệp phù hợp với bối cảnh đó.
Ông Phong cho biết, đối tượng là sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường cần được đặc biệt quan tâm, hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, ngoài các nội dung học thuật cần thiết thì các trường ĐH, CĐ cũng cần hướng sinh viên đến những ý tưởng khởi nghiệp, dựa trên năng lực khởi nghiệp của mỗi em.
“Quan trọng là phải truyền được cảm hứng và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào khởi nghiệp, tiếp thêm sức mạnh và trang bị cho thế hệ trẻ, cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp và trở thành những người chủ DN tương lai đóng góp tích cực vào kinh tế thành phố”, ông Phong nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Thị Thanh cũng đề xuất các trường ĐH, CĐ cần mạnh dạn mở chuyên ngành đào tạo quản trị khởi nghiệp, các khóa học khởi nghiệp kết hợp tăng cường thời lượng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục khởi nghiệp trong thời gian tới…
Theo báo cáo của UBND TP HCM, hiện nay các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố đang hướng đến việc tạo lập môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, ổn định và hiệu quả với 274.600 DN đăng ký hoạt động, chiếm gần 32% DN trên cả nước.
Lê Anh