Cùng với sự cả tin- hám lời của người dân, sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đã tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi để các đối tượng núp bóng kinh doanh đa cấp lừa đảo.
Một người dân lần giở những phiếu thu và cuốn sổ “ghi thưởng” của Liên kết Việt mà mình đã trót tham gia.
Chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, hàng loạt các “tập đoàn” lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Điều đáng nói là cứ vụ sau lại lớn hơn vụ trước cả về quy mô, số lượng nạn nhân và mức độ thiệt hại. Hàng vạn người đã “hồn nhiên” “móc hầu bao” nộp tiền cho những kẻ lừa đảo. Hàng nghìn tỷ đồng trong dân lẽ ra phải được đầu tư sinh lời, góp phần vào phát triển kinh tế- an sinh xã hội thì lại rơi vào tay một nhóm đối tượng lừa đảo.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến cuối năm 2015, cả nước có gần 60 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp, gồm 27 doanh nghiệp ở Hà Nội, 25 doanh nghiệp tại TP HCM, còn lại thuộc các địa phương khác. Trong số này có 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 48 doanh nghiệp Việt Nam.
Để đảm bảo cho các doanh nghiệp này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Nhà nước đã ban hành Nghị định 42/2014 quy định về các hoạt động kinh doanh đa cấp.
Vậy nhưng, cũng tính đến thời điểm trên, CQĐT các cấp đã phát hiện, điều tra gần 40 vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của người dân với hàng trăm nghìn người bị hại. Cơ quan CSĐT đã khởi tố 16 vụ án với 56 bị can để điều tra làm rõ.
Đáng trách là dù đã có những “tấm gương tày liếp” về hành vi lừa đảo của các công ty kinh doanh núp dưới chiêu bài đa cấp, song vẫn rất nhiều người vẫn lao vào như thiêu thân, nhắm mắt “gửi trứng cho ác”, để rồi tiền mất tật mang. Phần nhiều trong số nạn nhân là người nghèo, hoặc là đi cầm cố sổ đỏ, vay mượn của người thân, bạn bè, thậm chí vay lãi để nộp cho các công ty đa cấp hưởng hoa hồng.
Chẳng thế thì làm sao Công ty Liên kết Việt có thể dễ dàng lừa đảo hơn 6 vạn người tại 27 tỉnh, thành phố, trong đó người ít thì gần chục triệu đồng, người nhiều nhất bị lừa tới 6 tỷ đồng, với tổng số thiệt hại lên tới hơn 1.900 tỷ đồng. Cho đến thời điểm bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giữ, “ngân khố” của “tập đoàn” lừa đảo này chỉ còn 134 tỷ đồng.
Tại CQĐT, ông đại tá rởm Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) và đồng bọn khai nhận đã chi khoảng hơn 1.100 tỷ đồng để trả hoa hồng cho những người tham gia vào hệ thống để tiếp tục lôi kéo người khác, số còn lại sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Ở đây có hai vấn đề hay nói cách khác là hai nguyên nhân chính tạo “môi trường” thuận lợi cho các đối tượng lừa đảo có “đất dụng võ”. Đó là sự cả tin- hám lời của nhiều người dân và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh đa cấp. Chúng ta phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng nếu các cơ quan quản lý nhà nước thực sự làm tốt nhiệm vụ được giao thì có lẽ các tổ chức “đa cấp” lừa đảo trên hoạt động tinh vi đến đâu cũng khó bề qua mắt được.
Người ta nói cái kim trong bọc lâu ngày cũng tòi ra, nữa là một doanh nghiệp với quy mô lừa đảo công khai trên phạm vi 27 tỉnh, thành phố trên cả nước, với số người tham gia lên đến trên 60.000.
Đơn cử, theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, “tập đoàn” lừa đảo Liên kết Việt đã mở 27 chi nhánh và văn phòng đại diện. Mỗi khi khai trương chi nhánh và văn phòng đại diện, Lê Xuân Giang luôn mặc quân phục đại tá quân đội hoành tráng để tăng thêm uy tín nhằm dễ dàng lừa đảo người dân nhẹ dạ cả tin.
Cũng theo điều tra của cơ quan công an thì thực chất Giang không phải là đại tá quân đội mà là mạo danh. Vậy có lý do gì mà một đối tượng có thể mạo danh đại tá quân đội xuất hiện công khai ở mọi nơi, với hoạt động khai trương, hội thảo “tưng bừng, ầm ĩ” nhưng các cơ quan quản lý ở cả 27 tỉnh, thành phố và cả ở trung ương lại không phát hiện ra?!
Đó là mới chỉ bàn đến nhân thân ông trùm. Còn về quản lý nhà nước việc kinh doanh của Công ty Liên kết Việt thì hầu như bị buông lỏng, thả nổi. Trên thực tế, doanh nghiệp này kinh doanh 5 mặt hàng là máy khử độc ozne và 4 loại thực phẩm chức năng, thì vốn đầu tư chỉ khoảng 7 tỷ đồng và doanh thu là 9,6 tỷ đồng. Song, số tiền mà Giang và đồng bọn huy động của hơn 6 vạn người dân lên tới hơn 1.900 tỷ đồng cho thấy Công ty này đã lợi dụng đa cấp để thu tiền nhằm mục đích chiếm đoạt. Vậy thì vì sao các cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện được?
Còn nữa, mặc dù thu khủng tới gần 2.000 tỷ đồng, song kê khai thuế của Liên kết Việt chỉ hơn 9 tỷ đồng mà vẫn qua mắt được cơ quan thuế suốt 1 năm ròng. Theo quy định của Nghị định 42 của Chính phủ, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ được sử dụng 40% doanh thu để chi hoa hồng, song Liên kết Việt lại mạnh tay chi tiền hoa hồng cho những người tham gia hệ thống tới 65% doanh thu.
Theo lẽ thường thì hành vi trên đã phải bị cơ quan chức năng nhà nước “sờ gáy” từ lâu, song ông trùm lừa đảo và các “cộng sự” vẫn bình yên vô sự cho tới thời điểm bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện, xử lý.
Để kết, xin dẫn lời của Đại tá Trần Quang Huy – Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra án kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an): “Có thể nói, việc quản lý doanh nghiệp đa cấp đang có vấn đề, chưa có trách nhiệm cụ thể. Một doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bán được số lượng bao nhiêu, hàng hóa khai thế nào thì biết thế, không khai thì không biết. Hàng sản xuất để kinh doanh có chất lượng như thế nào cũng không ai kiểm soát”.
Như vậy, cùng với sự cả tin- hám lời của người dân, sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đã tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi để các đối tượng núp bóng kinh doanh đa cấp lừa đảo.