Đối tượng Vũ Quý Lãm (đang bỏ trốn) bị cáo buộc cầm đầu đường dây đánh tráo sổ đỏ, rồi bán đất của người khác, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Đánh tráo sổ đỏ của chủ đất
Cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 11 bị cáo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trong đó 9 bị cáo gồm: Nguyễn Mạnh Cường (36 tuổi), Lưu Thị Lượng (65 tuổi), Nguyễn Thị Hậu (53 tuổi), Vũ Xuân Thắng (46 tuổi), Dương Thị Hòa (50 tuổi), Nguyễn Đình Kiêu (64 tuổi) cùng trú huyện Sóc Sơn (Hà Nội); Ngô Thị Bạch Vân (72 tuổi) và Lê Thu Thảo (48 tuổi) cùng trú quận Ba Đình (Hà Nội); Đinh Đức Hiệp (69 tuổi, trú TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Riêng Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Phạm Văn Đồng (32 tuổi, trú huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị truy tố về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo cáo buộc, 11 bị cáo đều nằm trong đường dây lừa đảo do Vũ Quý Lãm (36 tuổi, quê tại xã Yếu Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cầm đầu. Lãm đang bỏ trốn và bị truy nã về 2 tội danh kể trên. Tuy nhiên, phiên tòa bất ngờ hoãn, do 1 bị cáo trong vụ án mắc Covid-19.
Thủ đoạn của Lãm qua 11 vụ lừa đảo được cơ quan điều tra xác định với các bước sau: Lên các trang web bất động sản, tìm người muốn bán đất, sau đó tự liên lạc với tên giả, nói có nhu cầu mua. Lãm sau đó yêu cầu bên bán gửi ảnh sổ đỏ để kiểm chứng, nhưng thực chất là thu thập thông tin làm sổ giả. Khi gặp chủ đất, Lãm nhân lúc họ không để ý đã đánh tráo để lấy sổ thật.
Khi có sổ thật, Lãm phân công các đồng bọn làm giả chứng minh nhân dân, hộ khẩu của chủ đất, đóng giả làm chủ đất và ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác.
Cuối tháng 10/2019, Vũ Quý Lãm tự giới thiệu tên Hoàng, liên lạc hẹn gặp và trao đổi với bà L. (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) về việc mua bán. Lãm thỏa thuận giá 12 tỷ đồng và hẹn 3-4 ngày sau đặt cọc tiền. Trước khi gặp, Lãm đề nghị bà L. chụp, gửi hình ảnh sổ đỏ .
Ngày 28/10/2019, Lãm cùng 1 phụ nữ đến nhà riêng của bà L. bàn thủ tục. Bà L. tin tưởng, mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) gốc của mảnh đất cho Lãm xem. Lợi dụng lúc bà L. không để ý, Lãm đánh tráo sổ đỏ này bằng bản giả, do trước đó đã thuê người làm sẵn, dựa trên hình ảnh và thông tin sổ đỏ bà L. đăng khi rao bán.
Sau khi chiếm đoạt được sổ đỏ gốc, Lãm tiếp tục dùng ảnh chân dung và dấu vân tay của đồng bọn để làm giả toàn bộ giấy tờ tùy thân của chủ đất, gồm: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Theo kế hoạch, đồng phạm của Lãm đóng giả làm chồng bà L. và cùng Lãm đi ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất này cho bên thứ 3 là anh Nguyễn Công M.
Thống nhất xong với anh M., nhóm Lãm liên hệ với 1 văn phòng công chứng để yêu cầu công chứng quyền sử dụng đất và yêu cầu công chứng ở ngoài văn phòng. Ngày 29/10/2019, tại quán cà phê tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhóm giả danh đã bán mảnh đất của bà L. cho anh M. với giá 2 tỷ đồng.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, bà L. chỉ là 1 trong số 11 nạn nhân của Lãm. Với thủ đoạn trên, từ năm 2018 đến tháng 1/2020, nhóm Lãm đã thực hiện 10 vụ lừa đảo tương tự, chiếm đoạt của mỗi nạn nhân từ 150 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng, tổng số tiền chiếm đoạt của nhóm này là 22,5 tỷ đồng.
Làm gì để không bị chiếm đoạt tài sản?
Liên quan đến việc đánh tráo sổ đỏ từ vụ án trên, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều người nghĩ đơn giản đằng nào cũng bán thì không cần phải giữ bí mật thông tin sổ đỏ, nhưng thực tế nếu kẻ gian đã chuyển nhượng thửa đất thì việc giải quyết rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức.
Trong thời gian giải quyết, chủ đất cũng rất khó, thậm chí không thể chuyển nhượng nên kế hoạch tài chính có thể bị đổ vỡ, mất cơ hội trong các giao dịch dân sự khác.
Nếu sau khi nhận chuyển nhượng, người mua xây dựng các công trình, nhà ở trên đất (trường hợp này thường xảy ra khi mảnh đất trống và chủ đất không thường xuyên qua lại kiểm tra) thì sự việc càng phức tạp, thời hạn giải quyết càng kéo dài.
“Theo tôi, chủ tài sản không nên cung cấp hoặc công khai sổ đỏ” - luật sư Tiến cho hay, đồng thời khuyến cáo, khi người mua có nhu cầu được xem sổ đỏ, chủ đất cần tìm hiểu nhân thân của họ để cân nhắc, quyết định có đáp ứng hay không.
Nếu người mua không quen biết thì không nên cho xem bản gốc, chỉ cho xem bản photo. Trên bản này, phần thông tin cá nhân của chủ đất (họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ), số sổ, ngày cấp, số hồ sơ gốc nên xóa để kẻ gian không có thông tin.
Nếu người mua là người quen biết, chủ đất có thể cho xem trực tiếp song không để họ chụp lại giấy tờ này nhằm tránh lộ lọt thông tin.