Bộ GD&ĐT vừa cho biết, tới đây sẽ sắp xếp lại còn 10 trường đào tạo sư phạm chính, đồng thời kiến nghị giao các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chủ trì công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Đây là nội dung nằm trong đề án quy hoạch lại các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có các trường sư phạm, đang được Bộ xây dựng.
Đề án này sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên trên nền tảng những quy chuẩn về điều kiện đảm bảo chất lượng để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên trung tâm có uy tín, đủ năng lực đào tạo giáo viên cho toàn ngành. Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm và tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống. Một nội dung đáng lưu ý là toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định, trong đó phân cấp, giao Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các địa phương chủ trì công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 13 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo chuyên về sư phạm và 61 cơ sở giáo dục ĐH đa ngành có đào tạo sư phạm. Nếu tính cả đào tạo giáo viên trình độ trung cấp và CĐ thì cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở giáo dục đào tạo được phép đào tạo giáo viên các cấp (hầu hết tỉnh/thành nào cũng có cơ sở đào tạo sư phạm). Hàng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều tăng.
Theo kế hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% trong tổng số sinh viên tuyển mới. Tuy nhiên, chỉ riêng từ năm 2013 đến 2016, chỉ tiêu tuyển sinh luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Trong khi đó, chất lượng đầu vào còn thấp.
Bộ GD&ĐT cũng cho hay, hiện nay, giáo viên tiểu học, THCS, THPT về cơ bản đã đủ và thừa. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thừa, thiếu cục bộ và thiếu giáo viên ở một số môn học như: Tin học, ngoại ngữ. Cụ thể, từ thống kê của các địa phương, cả nước hiện nay thiếu 5.315 giáo viên tiểu học; thừa 12.165 giáo viên THCS và 4.260 giáo viên THPT. Còn ở bậc mầm non, hiện nay cả nước thiếu 34.641 giáo viên do nhu cầu gửi trẻ tăng cao, trong khi tổng biên chế giáo viên của các tỉnh/thành phố có xu hướng giảm.
Cùng với đề án quy hoạch lại các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT cũng đang kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt phương án tiền lương trong Đề án cải cách chế độ, chính sách tiền lương, trong đó xây dựng hệ thống thang bảng lương nhà giáo theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng, hiệu quả của công việc, đảm bảo lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.