Đặc khu kinh tế có thể mang lại những đột phá mới cho nền kinh tế nhưng cũng dễ thất bại nếu mục tiêu không rõ ràng, lựa chọn địa điểm sai, quản lý kém hiệu quả- đó là chia sẻ của giới chuyên gia tại Hội thảo “Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công”, do Viện kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 18/5.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Duy Phương).
Ưu đãi thuế chỉ thua “thiên đường thuế”
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc chọn phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cho thấy, Việt Nam đã mạnh dạn, chủ động xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam.
Các đặc khu này sẽ trở thành nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để xây dựng và thu hút đầu tư vào các đặc khu, việc xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý đóng vai trò hết sức vô cùng quan trọng.
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới.
Dự kiến khi được thông qua, Luật này sẽ là hành lang pháp lý để phát triển 3 đặc khu, tạo sự tác động lan tỏa, tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội và thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam.
Bức tranh về 3 đặc khu kinh tế đang được kỳ vọng sẽ vô cùng xán lạn khi Luật Đặc khu được thông qua.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật đặc khu đã đưa ra quá nhiều ưu đãi đối với 3 khu kinh tế đặc biệt này và cần phải lường trước được những rủi ro.
Theo ông Hoàng Thế Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Dự thảo Luật đang đưa ra nhiều ưu đãi thuế mà theo ông, chỉ thua các “thiên đường thuế”.
Cùng đó ông Liên đề xuất, Luật Đặc khu phải thể hiện sự phân quyền đầy đủ để đi vào cuộc sống. Ví dụ, không cần thông qua nghị định, thông tư để hạn chế những văn bản mang tính hành chính.
“Nếu xong Luật này còn chờ bao nhiêu văn bản khác nữa thì không thể làm được. Hơn nữa, Luật có tốt đến mấy thì vẫn đòi hỏi bộ máy thực thi cũng phải tốt. Do đó, phải có cơ chế tuyển chọn, sử dụng công chức thực tài. Cán bộ mà yếu thì những ý tưởng tốt đẹp cũng khó đi vào cuộc sống”- ông Liên thẳng thắn.
Tại Hội thảo, ông Sebastian Eckardt- Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nêu ra nhiều cảnh báo về các rủi ro từ ưu đãi thuế với mô hình đặc khu. Ông Eckard cho biết, việc quá nhiều ưu đãi có thể dẫn tới bị lạm dụng.
Ngoài ra, giữa các đặc khu còn có thể xảy ra cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế hoặc cạnh tranh không lành mạnh để cắt giảm các khuôn khổ pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng không mong muốn đến môi trường kinh doanh, hạn chế chuẩn mực lao động.
Quá ôm đồm, thiếu trọng điểm
Chia sẻ quan điểm, ông Teo Eng Cheong- giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore cho rằng, trước hết, việc quan trọng nhất là phải xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một đặc khu kinh tế.
Theo đó, các lý do để thành lập đặc khu phải bao gồm: Tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỉ lệ thất nghiệp đang cao; Thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ, đặc biệt khi đang bị thiếu hụt dữ trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại; Phát triển các ngành đặc thù và cuối cùng là chuyển giao công nghệ.
“Mặc dù các lý do trên không cần thiết tương trợ độc quyền lẫn nhau, chúng ta cần phải hiểu rằng rất khó để thiết lập được một đặc khu kinh tế đáp ứng được tất cả các mục tiêu nói trên cùng một lúc”- ông Teo Eng Cheong cho biết và nhấn mạnh: Vấn đề là phải xác định được nhân tố quan trọng nhất khi thiết lập một đặc khu kinh tế.
Bởi vậy, các chiến lược phát triển sẽ được xác định rõ ràng hơn, ví dụ như đặc khu này sẽ đặt mục tiêu vào các tập đoàn đa quốc gia, còn khu khác sẽ tập trung vào việc chế tạo hoặc dịch vụ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Dự thảo Luật Đặc khu đang đưa ra quá nhiều ưu đãi và quá ôm đồm nhiều lĩnh vực kinh tế cho các đặc khu.
Theo bà Lan, trong Dự thảo Luật dường như dành quá nhiều ưu đãi cho cả 3 đặc khu với các hàng trăm lĩnh vực khác nhau mà hoàn toàn không rõ trọng điểm của mỗi đặc khu là gì.
“Mỗi đặc khu kinh tế có những thế mạnh và giới hạn riêng cứ ưu ái cho quá nhiều ngành nghề như vậy, liệu tất cả các ngành nghề đều phát triển mạnh được không?” - bà Lan đặt câu hỏi và cho rằng, không thể đưa ra những ưu đãi với các đặc khu theo kiểu “đổ đồng”. Ví dụ trong Luật Đặc khu có đưa ra ưu đãi đối với lĩnh vực du lịch, bất động sản.
“Ở Phú Quốc, các nhà đầu tư bất động sản đã đổ tiền vào lĩnh vực này cả chục năm nay rồi, du lịch cũng vậy. Hay tại Quảng Ninh du lịch đã phát triển từ rất lâu ở Hạ Long. Nên giờ phát triển ở Vân Đồn, du lịch tất yếu sẽ “ăn theo” thôi.
Những đặc khu này đã có sẵn thế mạnh là du lịch và bất động sản vậy thì không cần thiết phải ưu đãi riêng nữa. Nếu ưu đãi riêng như vậy sẽ bất cập đối với các địa phương khác”- bà Lan đưa ra quan điểm.
Luật Đặc khu có thể cho một số ưu đãi riêng nhưng phải xác định rõ đặc khu làm gì? Và cái gì bên ngoài không làm được, không phát triển được mới cần ưu đãi riêng, chứ nếu bên ngoài cũng làm được thì cần gì phải thiết kế hẳn luật riêng nữa.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước bày tỏ quan điểm, đặc khu kinh tế có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều đặc khu (ở một số nước) đã thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.
Bởi vậy, lời khuyên của giới chuyên gia là, nhà quản lý cần có tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ… đó sẽ là những điều kiện để phát triển thành công mô hình đặc khu kinh tế.