Các chuyên gia đánh giá với những bổ sung về quyền lợi, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực để đẩy mạnh lưới an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH cho lao động làng nghề nói riêng và lao động phi chính thức nói chung. Tuy nhiên, nếu không có chính sách hỗ trợ đặc thù thêm thì đối tượng này rất khó có thể vào lưới an sinh.
Vì sao lao động làng nghề thờ ơ?
Đề cập đến tỷ lệ lao động làng nghề tham gia BHXH tự nguyện, ông Nguyễn Duy Phương - Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, toàn tỉnh hiện có 25 làng nghề đã được công nhận, trong đó, 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu gồm: Mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế biến nông lâm sản, tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn. Tuy nhiên, theo thống kê số lao động tham gia BHXH tự nguyện tại các làng nghề mới chỉ có khoảng 2.453 người. Đây là con số còn thấp so với tiềm năng vốn có ở các địa phương.
Chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện tại các làng nghề thấp, ông Phương cho biết, thu nhập trung bình của mỗi lao động tại các làng nghề đạt từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng; một số lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực mộc, chế tác đá, bông vải sợi… có thu nhập cao hơn, ở mức từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, lao động ở các làng nghề truyền thống thường làm việc theo thời vụ và thu nhập không thường xuyên. Nhiều người lo lắng rằng họ không thể duy trì việc đóng BHXH lâu dài do thiếu nguồn thu nhập thường xuyên. Điều này làm cho họ cảm thấy việc tham gia BHXH tự nguyện không đảm bảo.
Đáng chú ý, theo ông Phương, hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện đang được Nhà nước hỗ trợ theo 3 nhóm đối tượng: hộ nghèo (30%), cận nghèo (25%), các đối tượng còn lại là 10% trên mức thu nhập chuẩn nghèo khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng); đồng thời tỉnh Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ thêm cho 3 nhóm đối tượng này với mức hỗ trợ tương tự như trên. Dù vậy, chính sách này vẫn chưa tạo sức hấp dẫn để người dân làng nghề tham gia BHXH tự nguyện.
“Với những người dân làng nghề có thu nhập ổn định song họ có tâm lý e ngại và thích tích lũy cá nhân thông qua các hình thức khác như gửi tiết kiệm thay vì tham gia BHXH. Họ cho rằng việc tự quản lý tài chính sẽ linh hoạt hơn so với việc đóng BHXH lâu dài và bắt buộc. Chính vì vậy, việc vận động và tuyên truyền với nhóm đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn” - ông Phương giãi bày.
Tương tự, tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Chí Nguyện cho biết, dù lao động trên địa bàn xã đều có việc làm thường xuyên nhưng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện rất thấp dù UBND xã cùng các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tích cực vận động. Nguyên nhân do tâm lý người dân còn e ngại về chính sách, trong khi đó, thu nhập người dân làng nghề tính ổn định không cao nên khi chính sách chưa hấp dẫn thì không đủ thuyết phục người dân tham gia.
Hỗ trợ một phần cho lao động làng nghề
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, từ ngày 1/7/2025, khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, sẽ có 4 chế độ BHXH mà những đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được hưởng bao gồm: Trợ cấp thai sản; Hưu trí; Tử tuất; Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Hiện hành, Luật BHXH 2014 quy định BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Như vậy, Luật BHXH 2024 đã bổ sung 2 chế độ mới là trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với bổ sung chế độ được hưởng, theo Luật BHXH năm 2024, người tham gia BHXH được hưởng chế độ hưu trí khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
Các chuyên gia đánh giá với những bổ sung về quyền lợi, Luật BHXH 2024 (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực để đẩy mạnh lưới an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH cho lao động làng nghề nói riêng và lao động phi chính thức nói chung. Tuy nhiên nếu không có chính sách hỗ trợ đặc thù thêm thì rất khó đối tượng này có thể vào lưới an sinh.
Để thu hút lực lượng này tham gia chính sách BHXH tự nguyện, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, bên cạnh việc thiết kế các gói đóng BHXH tự nguyện linh hoạt hơn, tăng tính hấp dẫn về quyền lợi cần có chính sách hỗ trợ một phần cho người lao động làng nghề đóng BHXH tự nguyện trong thời gian đầu để khuyến khích họ tham gia vào lưới an sinh của BHXH.
Ông Phương cũng kiến nghị, ngoài chính sách hỗ trợ như hiện nay Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đặc thù cho người lao động trong các làng nghề hoặc hỗ trợ thêm cho các thành viên trong cùng một gia đình làng nghề khi cùng tham gia BHXH tự nguyện như giảm trừ mức đóng cho người thứ 2, thứ 3 khi tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét có chính sách nghỉ hưu riêng cho nhóm lao động trong các làng nghề khi tham gia BHXH tự nguyện, chú trọng các tiêu chí về thời gian đóng, tuổi đủ điều kiện nghỉ hưu, nhất là đối với những người lao động làng nghề làm những công việc nặng nhọc, độc hại…