Hằng thân, Mình được biết tại TPHCM vừa ra mắt Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực - trung tâm đầu tiên của nước ta tổ chức các chuyên đề nghiên cứu đối với một số món ăn, thức uống đặc trưng của Việt Nam theo phương châm ngon và lành; định chuẩn món ăn cho các sự kiện tầm quốc gia; thúc đẩy các món ăn thực dưỡng, hỗ trợ sức khỏe…
Đó là tín hiệu mừng, một cách quảng bá cho nền ẩm thực phong phú của Việt Nam cậu nhỉ? Hằng biết không, ở bên này, những người Việt ở như mình rất xúc động khi thấy một món ăn quê nhà được người nước ngoài ưa chuộng, vinh danh. Và rất nhiều người đã chọn vai trò làm “sứ giả của ẩm thực Việt”. Họ- người chọn cách mở nhà hàng Việt để mưu sinh, người lại nấu món ăn Việt mỗi ngày và đãi khách những dịp lễ Tết chỉ với mong muốn đưa ẩm thực Việt đến gần hơn với thế giới.
Hằng ạ,
Bọn mình ở bên này thường vẫn nói nếu đến Paris mà không tới Quận 13 sẽ là một thiếu sót lớn bởi nơi đây được người Pháp gọi là khu của người châu Á. Khu phố này tập trung trong tam giác được tạo bởi các con đường Rue de Tolbiac, Avenue d’Ivry và Rue Nationale với các siêu thị bán thực phẩm Á châu, nhà hàng, tiệm thuốc bắc, đồ cổ, sách báo, phim ảnh, đĩa nhạc... Và đặc biệt nhất chính là những quán Phở Sài Gòn, nhà hàng Ớt Việt, Phở Bờm, Mỳ Canh. Trong đó quán Phở Mùi luôn là điểm đến của không chỉ người Việt mà cả những người bạn Pháp.
Vào quán, mình có thể gọi một bát phở rồi vừa thưởng thức hương vị quê nhà vừa nghe nhạc, trò chuyện với chủ quán hay anh bồi bàn bằng tiếng Việt, vô cùng thú vị. Cách trình bày bát phở thì hệt như ở Hà Nội vậy, cũng có rau mùi, hành lá, hành tây, mùi tàu và thêm một miếng chanh, chút ớt tươi nữa. Ông Nguyễn Văn Thái, chủ quán Phở Mùi lúc nào cũng tươi cười, đon đả với khách. Ông thường hỏi khách có biết vì sao phở vẫn giữ được hương vị như ở Việt Nam không? Rồi cũng lại ông tự trả lời, đó là vì nồi nước dùng được nấu bằng tất cả gia vị, bánh phở, hành, thơm, quế hồi...giống như ở Việt Nam, chả thiếu vị gì.
Không chỉ Phở Mùi mà hầu hết các quán phở Việt ở đây đều vậy, có đủ các loại gia vị ăn kèm, đủ khiến nhiều người Việt xa xứ rưng rưng khi thưởng thức. Có lẽ vì ở quận 13 cũng có rất nhiều nhà hàng Trung Quốc, Thái Lan... bán đồ ăn Việt vì vậy những chủ quán Việt chính gốc như quán Phở Mùi của ông Thái phải chinh phục thực khách bằng chính hương vị nước phở đặc trưng của Hà Nội. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ ẩm thực Việt Nam đã tạo dựng được vị thế ở kinh đô ánh sáng này bạn ạ!
Có thể nói, quán ăn Việt ở nước ngoài như những sợi dây nối gần hơn tình cảm của bà con xa xứ với quê nhà, một cách quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới. Thực lòng rất muốn, một lần nào đó được mời Hằng ăn bát phở ở ngay giữa lòng thủ đô Paris này, để bạn cảm nhận được những gì mình đã kể trong thư.
Bạn thân!