Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và tiêu thụ của ngành thuỷ sản. Giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh, khó bán ra thị trường khiến người nuôi tôm lao đao.
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh
Anh Lê Thanh Tiện, chủ hộ nuôi tôm thẻ ở ấp 16 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cho biết, hiện nay giá thức ăn, thuốc thủy sản tăng chóng mặt khiến chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá giảm sâu khiến người nuôi tôm đứng ngồi không yên. Trang thiết bị đã đầu tư trước đó không sử dụng cũng hư hao nên nông dân buộc lòng phải duy trì canh tác…
Không chỉ người nuôi tôm gặp muôn vàn khó khăn mà hiện nay các cơ sở, DN, nhà máy chế biến nông sản đang bị giảm 50%-60% công suất (do hạn chế công nhân đi làm). Nhà máy cơ sở hạn chế nhập nguyên liệu. Một số DN khó khăn trong việc vay và trả lãi suất ngân hàng nhưng chưa có chính sách giảm, giãn lãi suất… Các cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh hầu như chưa được tiêm vaccine ngừa Covid -19…
Tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 139.780 ha. Trong đó, tôm thẻ siêu thâm canh hơn 2.700 ha, tôm sú, tôm thẻ thâm canh – bán thâm canh hơn 20.600 ha, nuôi thủy sản trên đất tôm – lúa trên 38.000 ha, quảng canh cải tiến kết hợp trên 74.000 ha, còn lại cua, cá và thủy sản.
Theo số liệu của Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, tổng sản lượng thủy sản trong tháng 8 này dự kiến thu hoạch 53.000 tấn tôm, sản lượng tiêu thụ trong tỉnh khoảng 4.300 tấn, sản lượng xuất bán ra thị trường khoảng 48.700 tấn. Hiện tại giá tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 60 – 65.000 đồng/ kg, tôm thẻ loại 30 con/kg có giá dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg, tôm sú 30con/kg giá khoảng 160.000/kg. Với mức giá như vậy, người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng.
Ghi nhận tại tỉnh Sóc Trăng, hộ ông Trịnh Văn Hiếu (xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Châu) mới thu hoạch ao tôm thẻ kích cỡ 70 con/kg. Một thương nhân mua tôm của ông Hiếu với giá 85.000 đồng/kg. Theo ông Hiếu ao tôm công nghiệp này nếu nuôi thêm 30 ngày nữa sẽ đạt kích cỡ khoảng 30 con/kg. Song ông quyết định thu hoạch sớm vì gần đây nước có biểu hiện bị “sụp tảo”, tôm lột vỏ chìm xuống đáy ao chết dần. Ông Hiếu phân trần, nghề nuôi tôm đang gặp khó khăn. Không chỉ trong việc mua thức ăn và các loại thuốc thú y thủy sản do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà còn khó bán.
Theo ông Hiếu, do Bạc Liêu và Sóc Trăng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lực lượng thu mua tôm không thể di chuyển. Đây là nguyên nhân nông dân bị người mua tôm ép giá vì chi phí vận chuyển tăng cao.Ông Hiếu cho biết thêm: Tôm loại 70 con/kg hiện chỉ còn bán được giá 85.000 đồng/kg trong khi trước đó có giá trên 100.000 đồng/kg.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tỉnh thả nuôi 37.893 ha tôm, đạt 74% kế hoạch. Nông dân và các doanh nghiệp đã thu hoạch 12.777 ha, sản lượng 70.150 tấn. Diện tích tôm đang phát triển trên đồng khoảng 23.454 ha. Toàn tỉnh Sóc Trăng có 22 nhà máy chế biến thủy sản, đủ năng lực tiêu thụ tôm sản xuất ra. Tuy nhiên, do nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ và manh mún, nhiều nơi bán sản phẩm phải qua trung gian khiến giá không ổn định.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ
Để tháo gỡ những khó khăn về sản xuất và tiêu thụ trước mắt cho người nuôi tôm, Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã thành lập Tổ sản xuất kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản, thông báo đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi nắm tình hình sản xuất, có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Một số DN cũng bày tỏ lo lắng khi dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất tôm. Các DN thủy sản đề xuất, chính quyền địa phương cần hỗ trợ cấp giấy tờ cho nhóm thu hoạch tôm được đi liên xã. Nhóm này nên được xem xét tiêm chủng ngừa vaccine Covid-19 sớm để đi thu mua tôm vì mặt hàng này cần phải thu hoạch nhanh.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, để hỗ trợ thu mua trong giai đoạn hiện tại, tỉnh đã đề nghị các địa phương thành lập và theo dõi quản lý chặt các đội thu mua trên cơ sở các đội tự phát lâu nay. Các xã sẽ có trách nhiệm nắm chặt và quản lý hoạt động, lịch trình di chuyển của các đội này, tạo điều kiện tốt để các đội tiến hành cho thu hoạch tôm cho nông dân. “Chúng tôi cũng đang trình UBND tỉnh kế hoạch tiêm vaccine cho đội thu mua thủy sản” – bà Bình cho biết.