Logistics tắc nghẽn, thủ tục hành chính chưa thông... là những băn khoăn các nhà đầu tư nước ngoài tại chương trình đối thoại chính sách năm 2024 chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”, mới diễn ra tại TPHCM.
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, song không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) khẳng định, vẫn còn không ít điểm nghẽn chưa được tháo gỡ. Ông Trần Anh Đức, đại diện Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) băn khoăn về logistics và chuỗi cung ứng chậm phát triển của thành phố. Theo đó, cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu phát triển chung. “Nhiều DN FDI khi sang Việt Nam thắc mắc, tại sao tại sân bay Tân Sơn Nhất phải xếp hàng chờ lâu như vậy? Mọi người phải mất 45 phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ để làm thủ tục an ninh” - ông Đức nói và nhấn mạnh: “Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Rất cần cải tiến và đổi mới về công nghệ để tránh tắc nghẽn”.
Đánh giá cơ sở hạ tầng giao thông của TPHCM chưa cao, các DN FDI còn tỏ ra ái ngại về tình trạng kẹt xe tại tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây hay đường vào cảng Cát Lái (TP Thủ Đức)... Trả lời nbăn khoăn của DN FDI về tắc nghẽn vận chuyển, ông Nguyễn Công Hoàn - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lý giải: “Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải khi khai thác khoảng 41,6 triệu khách/năm, vượt xa công suất thiết kế. Chính vì quá tải nên không tránh khỏi những hạn chế về chất lượng, dịch vụ,... Hy vọng, khi nhà ga T3 và sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu tình trạng quá tải”.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM, thành phố đang triển khai các dự án nội đô gồm nhiều tuyến đường sắt đô thị. Song song đó là những tuyến đường mang tính kết nối với các tỉnh – thành cùng các tuyến đường cao tốc khác. Hy vọng, thời gian tới cơ sở hạ tầng giao thông sẽ cải thiện nhiều nhằm tăng tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh việc phát triển logistics và chuỗi cung ứng, DN FDI cũng bày tỏ quan ngại về thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực sự cải thiện. Ông Seck Yee Chung - đồng trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại, VBF cho rằng, giấy chứng nhận đầu tư được luật hóa khá rõ nhưng còn nhiều vướng mắc ở các cơ quan trong thẩm quyền. Vị này nhận định, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư mất nhiều giấy tờ, nhiều hồ sơ và nhiều thời gian của DN. Theo đó, để có giấy phép kinh doanh cho thuê trong lĩnh vực dầu khí hay thương mại điện tử, DN phải đợi mất...1 năm. Bên cạnh đó, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cũng được các DN FDI than vãn.
Liên quan đến thủ tục hành chính, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: “Thành phố luôn lắng nghe và ghi nhận những khó khăn mà các nhà đầu tư đang gặp phải. Thủ tục phức tạp sẽ rút gọn hơn, thời gian thực hiện thủ tục sẽ rút ngắn hơn. Hoàn thuế trong thực tế vướng như DN phản ánh thành phố sẽ xem xét để chấn chỉnh”. Theo lãnh đạo thành phố, nếu đại diện các hiệp hội mà nêu rõ những DN đang bị vướng thành phố có thể tổng hợp để biết tồn tại ở cơ quan nào để yêu cầu xử lý nhanh. Về logistics, ông Hoan thừa nhận, khó khăn trong giao thương chính là hạ tầng giao thông. “Trước nay giao thương với các tỉnh – thành là giao thông thủy nhưng vẫn chưa thành hệ thống. Đường cao tốc đi về các tỉnh được đầu tư về cơ bản đã phát triển nhưng chưa có đường xương sống” - ông Hoan nói. Ông Hoan cho biết thêm, TPHCM đang xin được đầu tư cảng biển Cần Giờ. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Một số ý kiến cho rằng, hạ tầng đường bộ xung quanh TPHCM vẫn chưa đạt tiêu chuẩn như các khu vực phía Bắc. Thành phố Biên Hòa không phải là trung tâm phân phối hấp dẫn đối với khách hàng TPHCM. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương thiếu kho bãi mới chất lượng cao, các kho cũ có thời hạn thuê đất dưới 20 năm và chưa có kế hoạch gia hạn rõ ràng nên không khuyến khích đầu tư do thời gian hoàn vốn ngắn.