Thủ tục nhiều, doanh nghiệp vẫn gặp khó

Minh Phương 10/05/2016 12:30

"Nếu không cải thiện thực trạng hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi không những không phát triển được mà sẽ ngày càng teo tóp đi, thậm chí là chết hàng loạt"-tâm tư này là của một doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chia sẻ với Đại Đoàn Kết về những vướng mắc trong các quy định, chính sách hiện nay gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Mất nhiều thời gian, chi phí vì giấy phép

Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có trên 500 ngàn DN. Tuy nhiên, chỉ có 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn lại hầu hết DN đều ở tình trạng thua lỗ, ngắc ngoải hoặc hòa vốn. Đánh giá về con số khá khiêm tốn này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định: “Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn”. Và như vậy, mặc dù Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh đã ra đời được hơn một năm, song, thực tế môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

Nhiều DN hiện nay vẫn đang gặp phải những rào cản từ các chính sách, quy định của cơ quan quản lý.

Có DN than phiền rằng, để xin được giấy phép quảng cáo, họ phải chờ đợi rất nhiều thời gian mới nhận được giấy phép. Trường hợp của DN mỳ ăn liền Acecook Việt Nam là một ví dụ. “Theo quy định của Luật Quảng cáo, muốn xin một giấy phép quảng cáo hoặc công bố chất lượng sản phẩm sẽ mất thời gian ít nhất là khoảng 10-15 ngày. Đấy là khi mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, không có vướng mắc ở khâu nào. Còn bình thường, chúng tôi phải mất nhiều thời gian hơn thế” – ông Kagoshima Shigeto, Giám đốc khối Marketing của Acecook cho biết và chia sẻ thêm, nhiều lần chúng tôi xin giấy phép quảng cáo ở Bộ Công thương song, do cơ quan này hạn chế về số người phụ trách tiếp nhận hồ sơ nên dẫn đến tình trạng, khi nhân sự phụ trách mảng này vắng mặt, không có người thay thế xử lý hồ sơ. “Tình trạng này đã khiến DN bị chậm tiến độ trong hoạt động quảng cáo cũng như công tác bán hàng, gây nên những thiệt hại về mặt chi phí quản lý của DN”.

Một trường hợp khác, đó là việc xin phép xuất khẩu gạo của các DN ngành gạo. Theo phản ánh của một số DN ngành gạo xuất khẩu hiện nay, Nghị định 109 đang gây khó cho DN khi quy định về việc, để được cấp phép xuất khẩu gạo, DN phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện này, DN mới được cấp phép xuất gạo sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đối với nhiều DN, tiêu chuẩn này là quá cao. Và một số DN đã phải tự tìm cách xoay xở bằng việc mở một công ty tại nước ngoài để rồi nhập khẩu ngay chính gạo của công ty mình ở Việt Nam.

Còn hàng loạt các vấn đề, các thủ tục hành chính đang khiến cho DN mệt mỏi. Thậm chí, nhiều DN nản vì thấy quá mất thời gian và các chi phí để đáp ứng cho một thủ tục, một giấy phép… đã phải tìm cách phạm luật. Câu chuyện của bà Trịnh Tú Oanh đến từ Công ty TNHH An Đô trong buổi đối thoại giữa DN và ngành thuế, hải quan hồi cuối năm 2015 là một trong những câu chuyện cũng rất đáng suy ngẫm về vấn đề này. Theo phản ánh của bà Oanh, chỉ trong 9 tháng năm 2015, DN An Đô đã phải nộp 620 triệu đồng cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành. “Một tấm vải chỉ mất vài đồng tiền thuế nhưng phải mất đến 8 triệu đồng kiểm tra chuyên ngành”.

Gần đây nhất, trong buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các DN đã thẳng thắn nêu lên hàng loạt những trói buộc từ chính sách gây bức xúc cho họ bấy lâu nay. 5m vải nhập từ nước ngoài về mà phải qua 138 lần kiểm tra, đó là nỗi niềm của các DN ngành dệt may được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phản ánh tại buổi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ. Ông Giang cho biết, Thông tư 37 của Bộ Công thương khiến các DN trong ngành dệt may tốn thêm thời gian và chi phí, khiến các DN rất nản.

Một chính sách thuế thiếu công bằng

Ở một câu chuyện khác, liên quan đến các DN trong lĩnh vực bất động sản, một quy định về thuế của cơ quan quản lý tréo ngoe đang khiến nhiều DN thuộc ngành này “khóc dở mếu dở”.

Theo quy định thuế hiện hành, DN được phép bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, việc bù trừ này chỉ được thực hiện một chiều. Nghĩa là DN chỉ được phép bù lỗ kinh doanh BĐS với lãi của hoạt động kinh doanh sản xuất ngoài lĩnh vực này. Ở chiều ngược lại nếu DN có lãi từ BĐS thì phải xác định riêng để kê khai nộp thuế, và không được bù trừ vào các hoạt động kinh doanh khác.

Thủ tục nhiều, doanh nghiệp vẫn gặp khó

Chính sách hiện nay đang gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (Ảnh: Hoàng Long).

Quy định này đang gây nhiều bức xúc cho cộng đồng DN. Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, quy định như vậy thực sự gây bất công cho các DN ngành bất động sản. Bởi, các DN hiện nay đều kinh doanh nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tiền vốn kinh doanh là tiền của họ tại sao lại không cho họ bù trừ lỗ lãi từ các lĩnh vực họ kinh doanh.

Và trước những bất hợp lý trong quy định về thuế đối với lĩnh vực BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ với mong muốn các DN BĐS phải được đối xử công bằng hơn.

Trên đây chỉ là một vài câu chuyện trong số rất nhiều những câu chuyện éo le mà cộng đồng DN đang gặp phải do những bất cập từ các quy định, chính sách, các giấy phép, thông tư… mà nhà quản lý ban hành.

Dư luận xã hội, cộng đồng DN đang rất kỳ vọng vào hành động của Thủ tướng Chính phủ sau cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và DN vào ngày 29-4 vừa qua. Bởi, chỉ khi các trói buộc về chính sách được cởi bỏ, môi trường kinh doanh được thông thoáng, cộng đồng DN mới có thể yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, mới yên tâm đầu tư phát triển, mở rộng quy mô. Còn như hiện nay, theo như nhận định của giới chuyên gia, với 7.000 giấy phép con đang bủa vây DN, thì DN chỉ đủ sức mà gánh thôi đã mệt, nói gì đến chuyện lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục nhiều, doanh nghiệp vẫn gặp khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO