Thủ tục xin thành lập hội còn rườm rà

Thùy Dương (thực hiện) 12/07/2016 08:00

Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa tổ chức hội thảo “Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội, nhu cầu đặt ra đối với Luật về Hội”. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển.

Thủ tục xin thành lập hội còn rườm rà

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao.

PV: Khi Dự luật về Hội đưa ra Quốc hội lấy ý kiến lần đầu, một số ĐBQH đã bàn nhiều về quy định thủ tục xin lập hội, vậy quan điểm của ông thế nào?

Ông Hoàng Ngọc Giao: Dự thảo Luật về Hội đã được Chính phủ trình và Quốc hội khóa XIII cho ý kiến lần đầu. Nhìn vào quy định thủ tục xin thành lập hội, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội đánh giá là thủ tục rườm rà, phức tạp, hạn chế quyền tự do lập hội của người dân.

Theo quy định thủ tục xin thành lập hội có các bước: Nộp đơn xin thành lập, hồ sơ xin thành lập phải tương đối đầy đủ, trong đó có Ban vận động thành lập Hội, có Điều lệ Hội, có những người sáng lập viên, lý lịch tư pháp của họ. Hồ sơ đó phải nộp đến cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi nhận được đơn xin thành lập thì cơ quan quản lý nhà nước về Hội sẽ xem xét chấp nhận hay không chấp nhận trong 60 ngày, nếu không chấp nhận phải có giải thích.

Giả sử hồ sơ được chấp nhận thì bước tiếp theo là phía bên xin thành lập hội phải tổ chức đại hội thành lập hội, bỏ phiếu bầu ra ban lãnh đạo, toàn bộ hồ sơ cùng với điều lệ được thông qua tại đại hội phải trình cho cơ quan quản lý nhà nước một lần nữa để được phê duyệt điều lệ và được công nhận người đứng đầu do đại hội đó bầu ra.

Việc quy định như vậy ảnh hưởng thế nào đến việc người dân xin thành lập Hội thưa ông?

- Rõ ràng ở đây có ảnh hưởng và hạn chế đến quyền lập hội của người dân. Chẳng hạn khi xem xét hồ sơ xin thành lập hội, giả sử cơ quan quản lý nhà nước mà không đồng ý, Dự thảo luật chỉ quy định một câu rất ngắn gọn là giải thích tại sao không đồng ý. Vậy quyền của người bị từ chối họ có được khiếu nại không, Dự luật không quy định rõ ràng.

Tiêu chí để cơ quan quản lý nhà nước xem xét chấp nhận hay không chấp nhận một hồ sơ xin thành lập hội không hề có.

Thứ ba đã có sự đồng lòng, nhất trí giữa các thành viên trong hội sau đại hội thành lập thể hiện ra hai sản phẩm đó là điều lệ Hội và người lãnh đạo hội. Như vậy đã là ý chí của cả một tập thể rồi, nhưng vẫn còn một thủ tục trình cho cơ quan nhà nước để xem được chấp nhận hay không.

Trong khi đó, dự luật không có quy định tiêu chí thế nào là được chấp nhận, thế nào là không được chấp nhận đối với điều lệ hội và người đứng đầu. Cái đó xâm phạm đến quyền lập Hội của người dân và dễ tạo cơ hội tùy tiện trong hành xử của công chức khi xét duyệt hồ sơ xin thành lập hội. Qua theo dõi, tôi thấy quan điểm phổ biến trong cơ quan Quốc hội là cần phải đơn giản hóa thủ tục thành lập Hội, đảm bảo quyền lập Hội của người dân.

Vậy ông nhận định như thế nào về quy định quản lý sinh hoạt của hội trong dự thảo Luật?

- Trong Dự thảo Luật có bất cập về quản lý sinh hoạt của hội đó là cơ chế quản lý nhà nước đặt ra mấy chủ thể: Một là Bộ Nội vụ, đồng thời lại đặt thêm cơ chế theo kiểu bộ chủ quản. Nghĩa là hội hoạt động trong lĩnh vực nào thì bộ chủ quản trong lĩnh vực đó cũng có thẩm quyền quản lý hội theo kiểu thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Điều này không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nói chung cũng như của nền kinh tế thị trường. Bởi hội là pháp nhân dân sự, hội hoạt động cũng giống như doanh nghiệp, giống như các cá nhân, việc tuân thủ pháp luật, kể cả pháp luật chuyên ngành là đương nhiên.

Và thẩm quyền của các bộ chuyên ngành đối với các hoạt động của các tổ chức trong lĩnh vực đó là đương nhiên. Việc đưa vào Dự thảo Luật quyền thanh tra, kiểm tra như nêu trên là tạo nên sự phức tạp, rườm rà trong quản lý nhà nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục xin thành lập hội còn rườm rà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO