Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đứng đầu.
Trước ý kiến dư luận và các chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các thành viên khác bao gồm lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi dự kiến dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đi qua là: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Quyết định của Thủ tướng, trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.
Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập Dự án để thẩm tra Báo cáo NCTKT Dự án theo đúng quy định. Việc thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra Dự án thực hiện theo quy định tại các Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP.
Trước đó, Bộ GTVT và tư vấn Công ty TEDI đã đề xuất phương án xây dựng đường sắt cao tốc tốc độ 350km/giờ, với tổng vốn 58,71 tỷ USD. Phân kỳ đầu tư theo tư vấn làm 2 giai đoạn, kéo dài 30 năm bắt đầu từ năm 2020 - 2050.
Theo đó, giai đoạn 1 đầu tư, xây dựng đoạn từ Hà Nội - Vinh (Nghệ An) và TP. HCM và Nha Trang (Khánh Hòa) trong năm 2020 - 2032. Giai đoạn 2 xây dựng nối tuyến Vinh - Đà Nẵng - Nha Trang, bắt đầu từ năm 2032 đến 2050.
Ngày 9/7/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các chuyên gia Đức, Hà Lan đã báo cáo đề xuất Chính phủ phương án xây dựng đường sắt tốc cao tốc 200km/giờ, với tổng vốn đầu tư 26 tỷ USD, tiết kiệm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT. Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng đưa ra luận điểm, bác bỏ phương án đề xuất của Bộ GTVT cho rằng với số vốn lớn, tàu chạy tốc độ cao khiến Việt Nam không làm chủ được kỹ thuật, vận hành, khiến lệ thuộc nước ngoài.
Với hai đề xuất trái ngược nhau về tổng vốn đầu tư, chọn lựa tốc độ, dư luận xã hội đang hết sức quan tâm. Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà toán học, chuyên gia về giao thông đã lên tiếng về các phương án xây dựng đường sắt cao tốc của hai Bộ nói trên.
Đáng nói, như Dân Trí đã đưa tin, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lã Ngọc Khuê đã đăng đàn, đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ phản đối đầu tư đường sắt cao tốc tốc độ 350km/ giờ, số vốn lên đến 58,71 tỷ USD và thời gian xây dựng kéo dài 30 năm.
Giáo sư Khuê khẳng định: Với công nghệ 350km/giờ, Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc nước ngoài về công nghệ suốt vòng đời dự án. Bên cạnh đó, với thời gian kéo dài đến 2050, khu vực miền Trung sẽ mất 20 năm để kết nối đồng bộ với đoạn đường sắt cao tốc hai miền Nam - Bắc, điều này là bất bình hành, không có hiệu ứng lan tỏa, khiến miền Trung ngày càng gian khó.