Chính trị

Thủ tướng nêu "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để tăng năng suất lao động

Theo TTXVN 26/05/2024 11:50

Tại Diễn đàn Nâng cao Năng suất Lao động Quốc gia năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện "3 đẩy mạnh," "3 tiên phong," "3 bứt phá" để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao Năng suất Lao động Quốc gia năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao Năng suất Lao động Quốc gia năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Nhân Tháng Công nhân năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024), sáng 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Theo Tổng cục Thống kê, những năm qua, năng suất lao động Việt Nam liên tục tăng, đạt 4,8% vào năm 2022 và 3,65% vào năm 2023. Bình quân giai đoạn 2011-2020, mỗi năm, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt 5,29%, góp phần quan trọng tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, mức tăng này chưa đạt yêu cầu và vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội Viettel, cho biết năm 2023, năng suất lao động theo doanh thu của toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm.

Bà cho biết để đạt được kết quả trên có hai yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực và công nghệ, trong đó, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ hội phát triển cho người lao động…

ttxvn_thu_tuong_10.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Diễn đàn Nâng cao Năng suất Lao động Quốc gia năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Sau 10 tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi và trao đổi với các công đoàn viên, công nhân, người lao động về 6 yếu tố mang tính quyết định năng suất lao động: yêu lao động, yêu nghề; luôn luôn học hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề; tuân thủ kỷ luật, xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn; luôn luôn đổi mới sáng tạo; người lao động được đãi ngộ thỏa đáng về tinh thần, vật chất; Chính phủ, Công đoàn và các chủ thể liên quan phải xây dựng hệ sinh thái lao động tốt. Xuyên suốt quá trình đó, lấy con người vừa là trung tâm, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.

Theo Thủ tướng, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn…

Phân tích tình hình, bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Trong số đó, “3 đẩy mạnh” bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.

“3 tiên phong” là: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

Thủ tướng đề nghị thực hiện “3 bứt phá” gồm: Bứt phát về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi; bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng nêu "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để tăng năng suất lao động