Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều nay, 3/7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn khẳng định, thời gian qua Bộ đã kiên quyết xử lý các vi phạm của các cơ quan báo chí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm
Bộ trưởng nêu lên một hiện tượng các phóng viên báo chí câu kết với nhau thành nhóm để đi “đánh” hội đồng doanh nghiệp. Có tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. “Sáng đăng lên báo điện tử, trưa gặp gỡ người ta cho nhau ít phong bì rồi chiều gỡ bài. Đề nghị các ngành, các hiệp hội chấn chỉnh vấn đề này” – Bộ trưởng nói.
Theo ông, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TT&TT là chỉ xử lý hậu kiểm chứ không duyệt bài trước khi đăng. Các cơ quan chủ quản phải nêu cao trách nhiệm của mình. “Báo cáo Thủ tướng, cần phải xử cả cơ quan chủ quản nếu cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, chứ đây hầu như cơ quan chủ quản chỉ đứng ngoài mà đổ lỗi cho cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan tuyên giáo, cơ quan chỉ đạo” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu quan điểm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chuyện quản lý báo chí vừa qua hết sức nặng nề, gây hoang mang cho cơ quan nhà nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp. Tình trạng đồng chí Bộ trưởng nêu, “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, tham nhũng, tiêu cực, đánh hội đồng, rủ rê nhau nhiều, nhất là báo mạng.
“Tôi đề nghị tăng cường quản lý nhà nước, xử lý nghiêm. Yêu cầu cơ quan chủ quản có trách nhiệm, phải xử lý nghiêm Tổng Biên tập và phóng viên. Điển hình là vụ Yên Bái. Vụ Yên Bái có hai việc, cán bộ sai thì phải điều tra, thanh tra, kết luận xử lý, không để hình ảnh xấu. Nhưng việc báo mà tiêu cực, tham nhũng như vậy thì phải xử lý nghiêm” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, nhân dịp này phải chấn chỉnh một bước, không để tình trạng lộn xộn. “Các đồng chí thủ tưởng các cơ quan ngồi đây đều có báo, tạp chí hết, phải tránh tình trạng này. Kéo nhau mấy ô tô đi việc này việc kia, truyền hình trực tiếp, kể cả Đài truyền hình VTC. Đề nghị anh Bùi Văn Nam (Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam – PV) chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm”, Thủ tướng nói.
Việc chụp ảnh chủ thuê bao sẽ hạn chế tối đa tin nhắn lừa đảo, khủng bố
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT thông tin thêm, Bộ đã phối hợp với Google thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tàng của Google. Đã gỡ bỏ 1.987 clip xấu độc, gỡ một kênh có 577 clip trên Yotube. Facebook cũng cam kết phối hợp với Bộ TT&TT gỡ bỏ thông tin giả danh và tài khoản giả mạo các cơ quan, tổ chức; thiết lập kênh riêng phối hợp trực tiếp với Bộ ưu tiên đáp ứng các yêu cầu từ Bộ TT&TT…
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Đến nay đã gỡ bỏ 106 tài khoản Facebook giả mạo, gỡ bỏ 1 kênh phản động “tin tức hàng ngày” với 500 clip, 132 tài khoản phản động nói xấu lãnh đạo cấp cao, 394 video quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp…
“Tuy nhiên việc gỡ bỏ này còn rất bị động do 1 phút trôi qua có khoảng 450 video clip được đăng lên mạng. Họ không kiểm soát hết được mà cứ mình yêu cầu họ mới xử lý, nghĩa là rất bị động” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Về với sự ra đời của Nghị định 49 về việc chụp ảnh chủ thuê bao, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lý giải, ban đầu do chưa làm tốt công tác truyền thông nên nhiều ý kiến cho rằng gây khó dễ cho người sử dụng. Bộ đã làm việc với Đài truyền hình, giải thích cho người dân rõ, rằng chỉ áp dụng chụp ảnh với thuê bao mới hoặc thuê bao không rõ ràng.
“Việc này nhằm mục đích bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH và bảo vệ người dân. Qua đó hạn chế đến mức tối đa hành vi gọi điện nhắn tin lừa đảo, đe doạ khủng bố, phát tán tin nhắn giả mạo, kêu gọi, kích động… Nếu chúng ta áp dụng biện pháp này thì sẽ giảm đáng kể”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, thời gian vừa qua hoạt động của tin tặc rất mạnh, tuy nhiên các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT và Bộ Công an đã phối hợp cảnh báo kịp thời, nên Việt Nam hầu như không bị thiệt hại.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện cảnh báo sớm này để giúp cho các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân tránh được thiệt hại do tin tặc gây ra” – Bộ trưởng khẳng định.