Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025 phải hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh phong trào thi đua 500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc, trong đó có ĐBSCL.
Ngày 16/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương vùng ĐBSCL; lãnh đạo TPHCM, tỉnh Bình Dương; các doanh nghiệp, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, tại ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ. Đó là Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau; Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần; Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu gồm 2 dự án thành phần; Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; Dự án cầu Rạch Miễu 2; Dự án cầu Đại Ngãi.
Hiện có 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4-15%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình triển khai các dự án và nhu cầu vật liệu, báo cáo về tình hình cung ứng vật liệu; các ban quản lý, nhà thầu trình bày các khó khăn, vướng mắc; Bộ TN&MT báo cáo về tình hình khai thác vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi…); Bộ KH&ĐT báo cáo về tình hình thực hiện bố trí vốn cho các dự án hạ tầng giao thông phía Nam và ĐBSCL…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu đã quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần làm thay đổi bộ mặt hệ thống cao tốc tại ĐBSCL.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, như khó khăn về công tác quản lý ở một số địa phương khi lần đầu được giao chủ quản dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng, bảo đảm vật liệu san lấp, đắp nền. Trong thời gian từ tháng 7 trở về trước, chưa bảo đảm đủ vật liệu san lấp (thiếu trên 27 triệu m3 cát san lấp); hiện nay đã cơ bản bảo đảm nguồn, nhưng có dự án còn chưa bảo đảm tiến độ. Việc thí điểm sử dụng cát biển vẫn còn lúng túng. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số dự án khai thác cát lòng sông chưa nhận được đồng thuận cao của người dân.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai các thủ tục về cấp phép và giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Một số cơ quan quản lý ở địa phương chưa nghiên cứu sâu; tham mưu chưa đúng việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương chưa chủ động thông tin tuyên truyền đầy đủ, khách quan để người dân đồng tình, ủng hộ…
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn trong tổ chức thực hiện, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt. Đó là: Giao thông vận tải phải thông suốt, đi trước mở đường; Chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí; bàn để quyết chứ không bàn để đấy, đã bàn, đã quyết là phải làm, đã làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Theo Thủ tướng, khối lượng công việc trong thời gian tới là rất lớn. Do đó, các địa phương, các ngành phải hết chủ động để thực hiện các các dự án.
“Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025, chúng ta phải hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng ĐBSCL. Chúng ta đẩy mạnh phong trào thi đua 500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc, trong đó có ĐBSCL. Các bộ, các ngành, các địa phương phải có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Thông báo kết luận số 335/TB-VPCP ngày 19/7/2024.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư thành ủy, tỉnh ủy và chủ tịch UBND các địa phương trong vùng, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn... tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình, hết sức, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc. Tinh thần là đã quyết tâm cao rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã nổ lực rồi thì phải nổ lực lớn hơn nữa, đã quyết liệt thì quyết liệt hơn nữa, đã có hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn nữa. Trong quá trình phân công phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian rõ trách nhiệm, rõ kết quả làm cơ sở đó để kiểm tra, đôn đốc.