Cuộc họp báo quốc tế dự kiến tổ chức vào 12h trưa ngày 26/10 đã dời lại gần 2 tiếng đồng hồ vì các nhà lãnh đạo, các DN thuộc ACMECS và CLMV đã kéo dài cuộc họp hơn dự kiến. Bước vào phòng họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tươi cười chào các phóng viên đang có mặt tại phòng họp.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Mở đầu cuộc họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo vắn tắt những vấn đề lớn của loạt hội nghị cấp cao được tổ chức tại Việt Nam trong các ngày từ 24 đến 26/10.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Việt Nam đăng cai cùng lúc 3 hội nghị, gồm WEF - Mekong, ACMECS 7, CLMV 8 và đã đạt được nhiều nhiều thành công. Trong đó hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mekong là sáng kiến của Việt Nam.
“Chưa bao giờ hội nghị có sự tham dự đông đảo như lần này, gồm lãnh đạo các nước có liên quan. Đặc biệt lần này Việt Nam có sáng kiến mới, đó là mời mời các đối tác phát triển cùng tham dự suốt từ đầu đến cuối các sự kiện như Ngân hàng Thế giới - WB, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB. Ngoài ra có các tập đoàn lớn của WEF và các nước trong khu vực, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó còn có các đại sứ đại diện có mặt tại Hà Nội cùng tham gia các ACMECS và CLMV”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chủ trì buổi họp báo.
Được hỏi về những kết quả cụ thể của loạt Hội nghị đa phương quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Tại các hội nghị này, chúng ta đã đưa ra các biện pháp mới mạnh mẽ như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao chùm, phấn đấu một xã hội hướng về dân, kịp thời ứng phó biến đổi khí hậu sâu sắc. Không những bàn về chủ trương mà còn đưa ra các biện pháp cụ thể với nhiều dự án khu vực để kết nối ACMECS và CLMV. Các nước thấy rằng cần tăng cường quan hệ nội khối tốt hơn, đồng thời phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với các nước phát triển, từ các nước nhóm đầu ASEAN, EU, Trung Quốc, các nước khác, các đối tác phát triển như WB, ADB. Đó là sự đổi mới. Tôi cảm nhận các nhà lãnh đạo của ACMECS và CLMV họ cảm thấy sự thiết thực trong quá trình diễn ra hội nghị ở Việt Nam”.
Nói về những kết quả chính, Thủ tướng cho biết: Hội nghị đã bàn các biện pháp huy động nguồn lực nhằm phát triển và khơi dậy tiềm năng khu vực Mekong. Hội nghị cũng đưa ra được những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với tiến trình công nghiệp hóa khu vực Mekong và các giải pháp kết nối; đồng thời cũng đưa ra các biện pháp để tăng cường hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó rất nhấn mạnh, các nước CLMV có sự phát triển chậm chễ hơn do hoàn cảnh lịch sử, và điều kiện tự nhiên khó khăn. Cho nên cần phải cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn cũng như ứng dụng nền kinh tế số vào các nước này kịp thời hơn, để phát huy các tiềm năng thế mạnh, nhất là du lịch, công nghệ hữu cơ, công nghệ thông tin.
“Các nước đưa ra nhiều biện pháp tích cực vào quá trình thực hiện các dự án mà các nước đặt ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.
Nói thêm về những điểm mới của của lần tổ chức ACMECS và CLMV này, Thủ tướng nhấn mạnh: Đó là số lượng đông hơn nhất từ trước đến nay, trong đó các đối tác phát triển rất đông. Trong đó các đối tác phát triển cũng nói hỗ trợ nguồn lực cho các nước chậm phát triển hơn, nhất là trong CLMV.
Các tập đoàn kinh tế lớn, những người quyết định quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển, đã tham gia từ đầu đến cuối, nhất là các tập đoàn thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới WEF. Họ tìm hiểu các dự án khả khi rất kỹ để đầu tư vào các nước CLMV cũng như ACMECS. Nhất là đối tác phát triển họ rất nhiệt tình, trách nhiệm và nhận thấy các nội dung chúng ta đưa ra rất thiết thực. Do vậy họ cho rằng cần có các dự án lớn đưa ra mang tính khu vực để kết nối khu vực, nhất là kết nối giao thông, điện, các nền kinh tế, tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh trong sự phát triển của nội khối.
Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng cơ hội từ loạt Hội nghị này. Thưa Thủ tướng? - Một phóng viên đặt câu hỏi.
Thủ tướng thẳng thắn trả lời câu hỏi: “Việt Nam phải thấy điểm yếu và trách nhiệm nội khối như thế nào, cho nên việc chuẩn bị các dự án có tính khả thi cao để kết nối là rất quan trọng. Việt Nam đặt vấn đề cải tạo chính mình để nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, để thuộc nhóm đầu ASEAN chứ không chỉ CLMV. Thực hiện chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển hành động, chủ động để quản lý kinh tế-xã hội tốt hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tạo nguồn lực tốt nhất để phát triển kinh tế-xã hội kịp các nước”.
H.M. (ghi)