Đó là chia sẻ của TS Phạm Thị Ly - Giám đốc Chương trình nghiên cứu, Viện Đào tạo quốc tế (ĐHQG TP HCM) khi được hỏi về chỉ tiểu tuyển sinh sư phạm trong năm 2016.
Theo quyết định của Bộ GD&ĐT, năm 2016 sẽ chấm dứt tuyển sinh đào tạo từ xa đối với ngành sư phạm và tiếp tục thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy năm 2016 sẽ giảm tối thiểu 10% so với năm 2015.
Ảnh minh họa.
Đồng tình với việc quy hoạch
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2014, cả nước thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Ở không ít trường phổ thông đang có tình trạng số giáo viên dạy không đủ tiết chuẩn, phải điều động làm những việc không đúng chuyên môn. Thậm chí có nhiều người bị cắt hợp đồng.
Trao đổi với TS Phạm Thị Ly về việc giảm chỉ tiêu các trường sư phạm, bà cho rằng, hiện nay sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều thì phải giảm chỉ tiêu là đúng.
Về việc chấm dứt đào tạo từ xa ngành sư phạm, TS Ly cho rằng: Đối với sư phạm thì đào tạo từ xa không phải là cách tốt. Đào tạo từ xa có thể giúp nâng cao trình độ của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nhưng nếu đào tạo từ xa sư phạm chính quy thì không phải cách tốt. Vì hoạt động chuyên môn cần rất nhiều hoạt động thực tập, thực hành. Đặc biệt là khi chúng ta tiến hành đổi mới thì sự thay đổi về phương pháp đòi hỏi ngành sư phạm phải đi đầu trong việc thay đổi phương pháp đào tạo giáo viên. Với một sự đổi mới mạnh mẽ như vậy mà chúng ta thực hiện đào tạo từ xa thì rất khó.
Cùng trao đổi về kế hoạch của Bộ, PGS Trần Xuân Nhĩ- Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định: Tôi ủng hộ việc quy hoạch lại trường sư phạm và không đào tạo từ xa đối với ngành sư phạm. Bởi đối với sư phạm, trước hết khâu tuyển sinh phải nghiệm ngặt, ngay cả giọng nói, dáng vóc phải đạt thì mới được vào sư phạm.
“Trong quá trình đào tạo sư phạm, không chỉ ở trên lớp mà kể cả trong cuộc sống cũng phải uốn nắn từng chút một. Đó là lí do tôi ủng hộ việc quy hoạch lại trường sư phạm. Đặc biệt cũng phải làm thế nào để sinh viên sư phạm có được những chế độ ưu tiên”, ông Nhĩ nói.
Có nâng cao được chất lượng?
Trao đổi thêm về việc giảm quy mô tuyển sinh, liệu có nâng cao được chất lượng giáo dục đào tạo ngành sư phạm hay không, TS Ly chia sẻ: Có nâng cao được chất lượng hay không, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng khi mà giảm chỉ tiêu thì có nghĩa các trường có thể chọn lọc tốt hơn trong số những thí sinh nộp đơn vào trường. Tăng tính cạnh tranh, tăng tính chọn lọc thì đầu vào có thể tốt hơn. Nhưng điều đó cũng không đủ để quyết định chất lượng đào tạo, vì còn cần nhiều khía cạnh khác nữa.
“Số sinh viên giảm thì tiền đầu tư giảm cũng là hợp lý. Nhưng nếu nhà nước có thể giảm chỉ tiêu đào tạo nhưng tăng nguồn kinh phí trên từng đầu người lên thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho từng trường, để họ tăng cường chất lượng đào tạo, cải thiện chất lượng giảng dạy của họ” - TS Ly nhận định.
Về đội ngũ giáo viên dạy mầm non, từ trước đến nay vẫn có tình trạng giáo viên học bậc thấp thì dạy bậc thấp, TS Ly góp ý: “Tôi tán thành việc không nên coi giáo viên mầm non thì không cần trình độ đại học. Học đại học trang bị cho người ta trách nhiệm toàn diện rộng hơn, xa hơn. Chúng ta không nên coi đào tạo giáo viên mầm non là dạy nghề đơn thuần, chỉ trang bị nghề và kỹ năng giữ trẻ cho các cô. Nếu các cô khi làm việc đó mà được đào tạo cơ bản hơn, hiểu đầy đủ hơn về tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ thì sẽ thực hiện tốt hơn nhiều việc giữ trẻ.
Chúng ta không nên quan niệm, dạy trẻ nhỏ thì dễ hơn dạy người lớn. Tôi nghĩ dạy trẻ nhỏ còn khó hơn dạy người lớn rất nhiều. Để thực hiện tốt việc quy hoạch, chúng ta có thể nâng cấp đội ngũ giáo viên hiện có. Tại vì khi chúng ta muốn đổi mới, đặc biệt trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới chúng ta dự định thay đổi chương trình, sách giáo khoa là thay đổi rất mạnh mẽ, thì tôi nghĩ tuyệt đại đa số giáo viên cần đào tạo lại”.
Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng: Thừa giáo viên ở hầu hết các cấp học chính là nguyên nhân khiến các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm trong nhiều năm qua không xin được việc. Và ông nhấn mạnh, để thu hút được sinh viên có chất lượng vào ngành sư phạm cần quan tâm nhiều hơn tới chế độ cho sinh viên.
“Trước kia đúng là thi vào sư phạm rất khó. Vào sư phạm, tất cả sinh viên được ở nội trú với đầy đủ trang thiết bị cần thiết. Bên cạnh đào tạo trên lớp thì giờ giấc sinh hoạt tại phòng đối với sinh viên sư phạm cũng phải thật nghiêm túc, từ giờ dậy tập thể dục, lên lớp, ngồi học phải nghiêm trang. Thêm nữa, sinh viên sư phạm phải được tăng cường thực hành…”