Thừa, thiếu giáo viên cục bộ không phải là câu chuyện mới, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm, thì đây sẽ là chuyện dài kỳ của ngành Giáo dục. Năm học này, cả nước tiếp tục thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên. Giải pháp nào để lấp khoảng trống thiếu hơn 94.000 giáo viên?
Giáo dục ngoài công lập: Phát triển chưa xứng tiềm năng
Thống kê năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cả nước có gần 42.500 cơ sở giáo dục nhà trẻ, mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục đại học (ĐH). Trong số này, tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 9,19%. Khối ĐH có tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập cao nhất (27,7%); tiếp theo là khối mầm non, THPT, tiểu học và THCS. Ở tất các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập.
Sự phát triển của hệ thống trường ngoài công lập đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh và chia sẻ với gánh nặng ngân sách nhà nước không thể bao cấp nổi gánh nặng giáo dục của toàn xã hội. Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, quyết định...
Một trong số đó có thể kể đến Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 ban hành ngày 4/6/2019. Theo đó, một trong những mục tiêu của Nghị quyết là cả nước đạt tỷ lệ 8,75% cơ sở giáo dục ngoài công lập năm 2020 thì chúng ta đã đạt được song trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc duy trì tỷ lệ này cũng là một thách thức.
Một trong những đô thị sôi động nhất cả nước là TPHCM trong vòng vài năm trở lại đây, tỷ lệ trường phổ thông ngoài công lập trên địa bàn đã giảm mạnh, từ 11,74% trong năm 2017 xuống còn 1,77% năm 2021.
Năm học 2020-2021, 151 cơ sở giáo dục mầm non giải thể, ngưng hoạt động... Nguyên nhân do dịch bệnh kéo dài, hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là cấp học mầm non.
Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh ngoài công lập giảm mạnh so với năm học trước, đơn cử như bậc tiểu học giảm mạnh nhất với gần 7.000 em… do dịch Covid-19 đã khiến cho nguồn tài chính của nhiều người, trong đó có phụ huynh, bị sụt giảm mạnh. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển trong việc lựa chọn trường cho con của phụ huynh; đặc biệt là ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận, vì đây là những địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch trong nhiều tháng qua.
Thiếu đồng bộ trong chính sách
Về lý do chủ quan, theo Sở GDĐT TPHCM, hiện đang gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh quy hoạch đất dùng cho giáo dục nên công tác cấp phép thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2020, Thường trực UBND TPHCM đã nhiều lần họp bàn nhưng chưa tìm được hướng tháo gỡ.
Từ câu chuyện của TPHCM có thể thấy mặc dù chủ trương phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập đã có từ lâu song khi triển khai trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Kéo theo đó là các bất cập với ngành Giáo dục từng địa phương khi nhiều nơi, dân số cơ học tăng cao nhưng trường học không mở rộng thêm, giáo viên không tăng thêm. Dẫn đến tình trạng gia tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày; co hẹp điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện.
Biên chế giáo viên cũng cấp thiết phải được tăng thêm ở những cấp học, môn học còn thiếu, nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần thêm một số lượng lớn giáo viên dạy ngoại ngữ, nghệ thuật… song giáo viên một số môn học, ở các cấp học khác vẫn đang thừa, chưa có phương án sắp xếp, điều động đi đâu được.
Khi biên chế tăng, tạo thêm áp lực tăng nguồn chi ngân sách dẫn đến khó khăn để đưa “lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” như Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khẳng định.
Khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng, bên cạnh các giải pháp hoàn thiện thể chế nhằm uy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên ngoài công lập.
Nghị quyết 35 nêu trên khẳng định giáo viên ngoài công lập sẽ được hưởng chế độ ngang bằng hệ công lập. Nếu điều này được thực hiện sẽ giúp “giữ chân” giáo viên trụ lại với nghề bởi như vừa qua, các trường ngoài công lập không hoạt động, không có nguồn thu nên không trả lương cho giáo viên khiến bao người phải bỏ nghề, chuyển sang bán hàng trực tuyến, làm công nhân hoặc nhiều công việc khác để cầm cự qua ngày.
“Cần xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập), bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập” - ông Dong nhấn mạnh.
Tăng tốc quy hoạch các trường sư phạm
Một trong rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập trong thừa, thiếu giáo viên được Bộ GDĐT đưa ra bao gồm việc tiếp tục công tác rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, dồn điểm trường lẻ về trung tâm…
Trong đó, nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm được thể hiện trong Nghị quyết số 29/NQ- TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đặt ra yêu cầu cấp thiết phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo giáo viên, trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo. Liên tục những năm qua, vấn đề này được nhắc đến trong các nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục mỗi dịp năm học mới. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thành do còn nhiều vướng mắc.
Nhìn vào thực tế tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ sư phạm hiện nay có thể thấy nhiều trường quy mô nhỏ, manh mún, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, hoạt động thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên cho xã hội... Ngoài ra, cần chỉ rõ định hướng phát triển năm 2030, tầm nhìn đến 2050, các trường sư phạm nên chuyển sang đa ngành hay chuyên ngành đào tạo. Đây là câu hỏi cần sớm có lời giải đáp để đào tạo giáo viên thực sự bám sát với nhu cầu thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Đa dạng giải pháp
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Giáo dục trong năm 2022 đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương.
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt.
Để giải bài toán thừa, thiếu giáo viên, bên cạnh chỉ tiêu cho phép, Bộ trưởng gợi mở địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng E-learning, mô hình dạy học trực tuyến,…
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Linh hoạt điều chuyển giáo viên
Tôi theo dõi sát thực tế tại nhiều địa phương thì thấy tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra không chỉ ở thành thị mà cả ở vùng sâu vùng xa. Như Lào Cai, nhờ sáp nhập các điểm trường lẻ, đưa học sinh về học tại các điểm trường chính, những năm qua tiết kiệm được 1.800 giáo viên. Song đến tháng 9/2021, địa phương này vẫn còn thiếu 1.128 biên chế giáo viên theo định mức.
Nỗ lực từ địa phương đã rõ song từ cú hích trường lớp đến ổn định cơ cấu là một bài toán cần tiếp tục tìm lời giải khi nhiều năm qua, việc tuyển dụng của các địa phương chưa sát với dự báo về quy mô trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu và ngược lại, từ cấp học này sang cấp học khác chưa phù hợp… dẫn đến việc dư thừa giáo viên.
Theo tôi, cần tăng cường luân chuyển, điều động hợp lý giáo viên trên cơ sở quan tâm đến hoàn cảnh từng gia đình giáo viên, trao đổi và tìm sự đồng thuận trước khi sắp xếp luân chuyển để tránh tình trạng bức xúc trong tâm tư nhà giáo, ảnh hưởng đến việc giảng dạy.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đến việc chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp.
Lam Nhi(ghi)